Ôtô - Xe máy

Xe máy để lâu không chạy, cần kiểm tra lại phanh để lưu thông an toàn

Không phải khi gặp tình huống nguy cấp, bạn cứ bóp, đạp hết các phanh mà lúc này cần sự phối hợp nhịp nhàng mới mang lại hiệu quả tốt nhất.

Đây là thời điểm một số tỉnh, TP đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, do đó người dân chủ yếu không di chuyển trên chiếc xe máy của mình. Sau thời gian để xe máy ở nhà quá lâu, khi di chuyển ra đường trong một số tình huống khẩn cấp, nhiều người sẽ mắc phải những sai lầm khi sử dụng phanh xe.

Xe máy để lâu không chạy, cần kiểm tra lại phanh để lưu thông an toàn
Việc sử dụng phanh một cách thuần thục cũng là việc nhằm bảo vệ chiếc xe. Ảnh: THY NHUNG

Hệ thống phanh là một bộ phận rất quan trọng trong mọi chiếc xe khi lưu thông. Việc sử dụng phanh tưởng chừng như đơn giản, nhưng phanh thế nào là đúng, sử dụng thế nào là hợp lý thì người lái xe cần tìm hiểu.

Không phải khi gặp tình huống nguy cấp, bạn cứ bóp, đạp hết các phanh mà lúc này cần sự phối hợp nhịp nhàng mới mang lại hiệu quả tốt nhất. Do đó để tránh những tình huống bất ngờ xảy ra, người lái xe nên tạo cách sử dụng phanh thành thạo và thao tác phản xạ tự nhiên.

Cụ thể, để phanh xe an toàn, bạn cần thực hiện các bước như sau:

Bước 1: Người lái xe cần giữ xe thẳng và cân bằng. Phanh sẽ trở thành tác nhân khiến tình huống trở nên tồi tệ hơn nếu xe và người đang nghiêng.

Bước 2: Sử dụng cả phanh trước và sau, trong đó 75% lực phanh dồn cho phanh trước. Nếu người lái xe chỉ sử dụng phanh sau, khoảng cách để dừng xe sẽ dài hơn hoặc có thể gây rê bánh khi đang chạy tốc độ cao.

Bước 3: Khi tham gia giao thông, người lái xe cần đẩy thân người về phía sau ở mức vừa phải và dùng chân làm bàn trụ. Khi phanh gấp lực quán tính sẽ khiến thân người trượt về phía trước. Do đó, khi gặp tình huống sẽ khiến cho khoảng cách trên thân xe kết hợp với lực trụ ở chân, giữ chắc tay lái sẽ giúp thân người ở vững trên xe.

Bước 4: Trường hợp chiếc xe bị khoá bánh sau, hay để tự nhiên, người lái xe không nên cố gắng thay đổi. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trong một tình huống hoảng loạn, người lái xe nếu thả phanh sau để không bị khóa bánh sẽ đồng thời thả cả phanh trước, tăng khoảng cách dừng xe. Thực tế cho thấy bánh bị khóa và trượt không phải là tình huống xấu, mà sự hoảng loạn của lái xe mới khiến mọi việc trở nên tồi tệ.

Bước 5: Ngay khi gặp tình huống, người lái xe nên bóp côn ngay từ đầu. Trong trường hợp này, lý thuyết về việc bóp côn sau để lợi dụng phanh động cơ từ trước là không thể áp dụng bởi lẽ sự hoảng loạn sẽ khiến việc xử lý không thể chính xác.

Theo Thy Nhung (Pháp Luật TPHCM)




https://plo.vn/xe-lai/kinh-nghiem/xe-may-de-lau-khong-chay-can-kiem-tra-lai-phanh-de-luu-thong-an-toan-1011986.html