Ôtô - Xe máy

Reuters: VinFast đặt cược lớn trong lĩnh vực nhiều rủi ro

CEO VinFast cho rằng một lợi thế rất lớn với công ty là niềm tự hào dân tộc của người Việt, dù họ đang bước vào một lĩnh vực đầy rủi ro và nhiều người đi trước từng thất bại.

Trong thời buổi mà các công ty ôtô ở các nước phát triển đang đối mặt với lợi nhuận suy giảm bởi các công ty công nghệ, theo Reuters, Việt Nam đang đánh cược rằng sản xuất ôtô có thể giúp nền kinh tế phát triển, giống như từng xảy ra với Nhật Bản và Hàn Quốc.

"Còn ở đâu khác trên thế giới mà bạn có thể làm điều đó với tốc độ như thế này?", Shaun Calvert, phó chủ tịch phụ trách sản xuất tại VinFast, vừa nói vừa nhìn ra khu nhà máy nơi 9 tháng trước đó còn là biển.

Đó là chuyến thăm gần đây tới nhà máy mới của công ty ở khu phức hợp nằm trên đảo Cát Hải thuộc Hải Phòng với một phần diện tích lấn biển. Đây là nơi hai mẫu xe đầu tiên của VinFast ra đời.

Reuters: VinFast đặt cược lớn trong lĩnh vực nhiều rủi ro
Lối vào nhà máy VinFast ở Cát Hải, Hải Phòng. Ảnh: Reuters.

Công bố thị trường xuất khẩu

Giai đoạn đầu, VinFast có khả năng sản xuất 250.000 xe/năm trong vòng 5 năm tới, tương đương 92% tổng số xe bán ra tại Việt Nam năm 2017, theo số liệu đối chiếu bởi Hiệp hội Các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA).

"Chúng tôi đang thúc đẩy sự mở rộng nhanh chóng của thị trường ôtô trong nước, vì vậy chúng tôi đang hoàn toàn tập trung vào việc giành chiến thắng ở đây trước tiên", CEO Jim Deluca cho biết trước thềm sự kiện Paris Motor Show, nơi VinFast sẽ công bố thị trường xuất khẩu đầu tiên của họ.

"Chúng tôi hy vọng mở rộng cả trong và ngoài ASEAN".

Hầu hết xe hơi bán tại Việt Nam là thương hiệu nước ngoài lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, một loạt thỏa thuận thương mại tự do đã giúp giảm thuế nhập khẩu và mở cửa thị trường. Thuế suất 30% với ôtô nhập khẩu từ các nước khác trong ASEAN cũng được bãi bỏ trong năm nay.

Reuters: VinFast đặt cược lớn trong lĩnh vực nhiều rủi ro - 1
Ông Jim DeLuca, CEO của VinFast, từng là phó chủ tịch General Motors. Ảnh: Reuters.

Xe máy điện

Ở đất nước mà xe máy tràn ngập trên các con đường thường xuyên bị tắc, VinFast cũng sẽ sản xuất 250.000 xe máy điện/năm bên cạnh 250.000 ôtô. Mục tiêu cuối cùng đầy tham vọng: 1 triệu chiếc/năm cho mỗi loại.

Ông DeLuca cũng cho biết VinFast đã phát triển mẫu xe điện chạy bằng pin với công ty EDAG Engineering của Đức và sẽ sớm công bố mẫu xe này.

"Về xe hơi chúng tôi cảm thấy tốt nhất là bắt đầu với động cơ đốt trong và sau đó ra mắt xe điện chạy bằng pin", ông DeLuca nói. "Từ góc độ cơ sở hạ tầng, sạc một chiếc xe máy sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với sạc một chiếc ôtô".

Sở dĩ VinFast có thể phát triển hai mẫu xe hơi đầu tiên với tốc độ gây kinh ngạc một phần là nhờ dựa vào các nền tảng công nghệ sẵn có.

Hai chiếc xe, gồm một SUV và một sedan, được phát triển trên bộ khung từ hãng BMW của Đức. Linh kiện được chế tạo bởi công ty Magna Steyr thuộc tập đoàn Magna International của Canada, trong khi việc thiết kế được giao cho hãng Pininfarina của Italy.

"Điều đó cho phép chúng tôi đi rất, rất nhanh và kết quả là một chiếc xe 100% của chúng tôi và không giống bất kỳ chiếc xe nào khác đang chạy trên đường ngày nay", ông Deluca nói.

Reuters: VinFast đặt cược lớn trong lĩnh vực nhiều rủi ro - 2
Hai mẫu xe sắp ra mắt của VinFast. Ảnh chụp màn hình.

Nhiều rủi ro

Công ty cũng đã chiêu mộ nhiều chuyên gia nước ngoài. Ít nhất 5 thành viên trong đội ngũ lãnh đạo VinFast, bao gồm ông Deluca và ông Calvert, xuất thân từ General Motors (GM).

GM, gã khổng lồ trong ngành ôtô của Mỹ, hồi tháng 6 đã đồng ý chuyển quyền sở hữu đầy đủ nhà máy Hà Nội cho VinFast, để công ty Việt Nam sản xuất các dòng xe nhỏ theo một giấy phép toàn cầu của GM từ năm 2019.

Tuy nhiên, bất chấp những kinh nghiệm mà VinFast có được, việc bước chân vào ngành công nghiệp ôtô đầy cạnh tranh và có những rủi ro lớn.

Các công ty lắp ráp ôtô trong nước đã thử - và thất bại - trong việc bán các mẫu xe sản xuất nội địa ra đại chúng. Ở mức độ khu vực, các công ty như Proton của Malaysia hoặc Holden của Úc đều chật vật trong cuộc đấu giành thị phần ở ngoài nước.

"Câu hỏi chủ yếu là tại sao thế giới lại cần thêm một thương hiệu xe hơi trong kỷ nguyên mà phần cứng đang trở thành thứ hàng hóa quá phổ biến", Bill Russo, lãnh đạo hãng tư vấn Automobility Ltd có trụ sở tại Thượng Hải, nói.

"Thực tế là họ đã thuê thiết kế và sản xuất bên ngoài; đang dựa vào thành quả nghiên cứu và phát triển của nước ngoài cho thấy họ đang đi theo con đường truyền thống mà không thể cạnh tranh trong thời đại của dịch vụ kỹ thuật số đầy linh động".

Ông Bùi Ngọc Huyên, chủ tịch của Vinaxuki, doanh nghiệp từng cố gắng thành lập hãng xe nội địa nhưng ngừng sản xuất vào năm 2012 trước khi chiếc xe đầu tiên của họ chính thức ra mắt, cho biết túi tiền khổng lồ của Vingroup có thể hỗ trợ rất nhiều cho VinFast, nhưng cảnh báo rằng việc xây dựng một thương hiệu sẽ cần thời gian.

"Bạn phải chuyển từ việc sản xuất những chiếc xe nhỏ và rẻ sang sản xuất những chiếc xe sang", ông nói. "Sẽ mất vài năm để nhà sản xuất ôtô mới tinh chỉnh sản phẩm của mình và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng".

Reuters: VinFast đặt cược lớn trong lĩnh vực nhiều rủi ro - 3
Một học viên tại trung tâm đào tạo của VinFast nằm trong khuôn viên khu phức hợp ở Hải Phòng. Ảnh: Thế Anh.

CEO Deluca cho biết các mẫu xe ban đầu của VinFast sẽ "có giá rất phải chăng" để thu hút người mua trong nước, nhưng từ chối trả lời chi tiết về giá cả.

"Chúng tôi nghĩ niềm tự hào dân tộc là lợi thế to lớn cho VinFast", ông Deluca nói. "Những gì chúng tôi đang làm ở đây là điều gì đó đặc biệt cho người dân Việt Nam".

Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)