Ôtô - Xe máy

Ôtô sở hữu nhiều công nghệ - lợi bất cập hại

Tài xế ngày càng bị phân tâm vì các công nghệ mới được "nhồi nhét" vào xe.

Tài xế ngày càng bị phân tâm vì các công nghệ mới được "nhồi nhét" vào xe.

Các nhà sản xuất ôtô đang nhồi nhét vào bảng điều khiển của các mẫu xe mới hàng tá công nghệ thông tin giải trí, mà chúng có thể gây nguy hiểm vì làm phân tâm tài xế khi buộc họ trong một khoảng thời gian đáng kể không quan sát đường và bỏ tay lái.

Đây là kết quả nghiên cứu của giáo sư David Strayer tại Đại học Utah mới công bố. Ông là người nghiên cứu tác động của các hệ thống thông tin giải trí lên an toàn cho Tổ chức AAA (AAA Foundation for Traffic Safety - tổ chức phi lợi nhuận đặt tại Washington DC – với mục tiêu cứu người thông qua nghiên cứu và giáo dục an toàn giao thông).

oto-so-huu-nhieu-cong-nghe-loi-bat-cap-hai

Công nghệ trên xe - lợi bất cập hại

Các nhà sản xuất ôtô đang đưa ra nhiều lựa chọn giải trí cho phép tài xế sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, email và nhắn tin khi đang điều khiển xe. Các công nghệ này ngày càng phức tạp. Trước đây ôtô chỉ có một vài nút bấm và vặn. Bây giờ một số xe có đến 50 nút trên tay lái và bảng điều khiển đa chức năng. Có màn hình cảm ứng, lệnh thoại, bảng ghi chép, màn hình hiển thị trên kính chắn gió và gương và cả hình ảnh 3-D. Giáo sư Strayer cho biết: “Có nhiều hệ thống phức tạp nằm trong tầm tay của tài xế, mà họ thì thường chẳng cân nhắc gì mà sử dụng những thứ này khi đang lái xe. Hệ thống càng phức tạp càng làm tài xế mất nhiều thời gian hơn để sử dụng chúng”.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ôtô thì cho rằng hệ thống giải trí tân tiến là lựa chọn tốt hơn cho tài xế, thay vì họ sử dụng điện thoại di động hay các thiết bị định vị mà chúng không được thiết kế để sử dụng khi lái xe. Ông Wade Newton, phát ngôn viên của Liên minh các nhà sản xuất ôtô cho rằng “Các hệ thống tích hợp vào xe đã được thiết kế để sử dụng trong khi điều khiển xe và các tài xế chỉ cần lưu tâm đến chúng như khi điều chỉnh radio hay điều chỉnh nhiệt độ. Đây là việc chấp nhận được khi lái xe”.

Tuy nhiên, Jake Nelson, giám đốc của tổ chức AAA lại chỉ ra rằng trong các cuộc thử nghiệm trên 30 loại xe của mẫu năm 2017 và xe tải cỡ nhỏ thì các tài xế đều không quan sát đường và bỏ tay lái để sử dụng các hệ thống thông tin giải trí. Các tài xế đã thử nghiệm lệnh thoại, màn hình cảm ứng và các công nghệ tương tác khác để gọi điện, gửi tin nhắn, chuyển kênh radio hay các chương trình định vị.

“Rõ ràng là các nhà sản xuất ôtô đã chưa tích hợp được các hệ thống nhanh và dễ sử dụng”. Kết quả của cuộc thử nghiệm báo cáo là 23 trong 30 xe đòi hỏi tài xế phải chú ý “rất cao” hay “cao” khi sử dụng các hệ thống thông tin giải trí. 7 xe được đánh giá “tương đối”. Không có xe nào được cho là cần ít chú ý để sử dụng các hệ thống này.

Việc xác định điểm đến trong hệ thống định vị GPS gây phân tâm cho tài xế nhất, đòi hỏi trung bình 40 giây để thực hiện. Một chiếc xe đang chạy ở vận tốc 40 km/giờ, với chừng đó thời gian để xác định điểm đến đã có thể chạy qua hết bốn sân vận động. Trong khi theo các nghiên cứu trước đây tài xế chỉ cần không quan sát đường hai giây đã tăng gấp đôi nguy cơ đụng xe.

Tuy nhiên, dưới áp lực từ các nhà sản xuất ôtô, Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia của Mỹ năm 2012 chỉ ban hành hướng dẫn an toàn cho công nghệ chế tạo bảng điều khiển cho các nhà sản xuất ôtô tự nguyện áp dụng, thay vì buộc các tiêu chuẩn an toàn phải được thực thi.

Các hướng dẫn khuyến cáo các nhà sản xuất ôtô nên khóa khả năng sử dụng hệ thống định vị khi xe đang di chuyển. Tuy nhiên, khả năng sử dụng định vị khi lái xe vẫn nằm trong 12 mẫu xe trong danh sách các mẫu xe khảo sát. Các hướng dẫn này cũng khuyến nghị các nhà sản xuất ôtô không cho tài xế nhắn tin trong khi lái xe, nhưng 75% số xe được kiểm tra vẫn cho phép điều này. Nhắn tin đứng thứ hai trong danh sách gây phân tâm nhất cho tài xế trong cuộc thử nghiệm. Sử dụng lệnh thoại nằm trong danh sách ít gây xao lãng nhất cho tài xế.

Tổ chức AAA cho rằng các tài xế chỉ nên sử dụng các công nghệ thông tin trong “các trường hợp khẩn cấp liên quan đến lái xe." Họ cũng kêu gọi các nhà sản xuất ô tô ngăn chặn khả năng sử dụng hệ thống định vị hoặc gửi tin nhắn khi lái xe. Các nhà sản xuất ôtô cũng nên thiết kế các hệ thống thông tin giải trí để tài xế không quá xao lãng khi sử dụng như là khi nghe radio hay nghe audio book.

Theo cuộc khảo sát ý kiến thực hiện cho AAA, gần 70% người Mỹ muốn các công nghệ mới trong xe của họ, nhưng chỉ có 24% cảm thấy rằng công nghệ đã hoạt động hoàn hảo. Ông Marshall Doney- chủ tịch và CEO của AAA- cho rằng “Tài xế muốn công nghệ an toàn và dễ sử dụng, nhưng nhiều tính năng bổ sung vào hệ thống thông tin giải trí ngày nay làm cho người sử dụng cảm thấy phiền toái.”

Theo VnExpress.net