Ôtô - Xe máy

Những mẫu xe cứu thương phổ biến ở Việt Nam, đắt nhất giá 4,2 tỷ đồng

Xe cứu thương tại Việt Nam phần lớn được nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng đều là các dòng xe phổ thông quen thuộc đã được hoán cải, chuyển đổi công năng sử dụng sang vận chuyển, cấp cứu người bệnh.

 

Thời gian gần đây sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, nhu cầu về xe cứu thương cũng như tài xế lái loại xe này được ghi nhận tăng lên rất nhiều. Đã có nhiều tổ chức, cá nhân muốn đóng góp để mua tặng xe cứu thương.

Thực tế thị trường xe cứu thương ở Việt Nam lâu nay vốn được coi là thị trường ngách, không có quá nhiều nhà phân phối nên các dòng xe bán ra thị trường ít đa dạng mẫu mã, chủng loại.

Dưới đây là những loại xe cứu thương phổ biến, có thể đặt mua từ các công ty hoặc đại lý có chức năng nhập khẩu, phân phối ô tô.

Toyota Hiace: giá từ 1,68 tỷ đồng

Toyota Hiace là cái tên quen thuộc trên thị trường xe cứu thương bởi sự phổ biến của dòng xe này. Đây là dòng xe cứu thương chủ lực của các bệnh viện công, trung tâm cấp cứu 115 trên toàn quốc.

Hiện tại thị trường xe cứu thương Toyota Hiace có 2 dòng chính là nóc cao và nóc thấp, nhập khẩu từ Nhật Bản. Toyota Hiace nóc cao trang bị động cơ xăng 2.7L, hộp số sàn 5 cấp, sản sinh công suất cực đại 149 mã lực tại 4.800 v/ph, momen xoắn 241 Nm tại 3.800 v/ph, giá bán 1,68 tỷ đồng. Lựa chọn còn lại là Toyota Hiace nóc thấp trang bị động cơ dầu 3.0L, hộp số sàn 5 cấp, công suất cực đại 142 mã lực tại 3.600 v/ph, momen xoắn 300 Nm tại 2.400 v/ph.

Những mẫu xe cứu thương phổ biến ở Việt Nam, đắt nhất giá 4,2 tỷ đồng
Toyota Hiace cứu thương nóc cao

Bên trong, ngoài trang bị khu vực điều khiển tương đương bản 16 chỗ thì khác biệt lớn nhất trên xe cứu thương đó là chỉ có chở thêm 3 người ngoài tài xế. Xe trang bị đầy đủ âm ly, microphone chuyên dụng chuyên phục vụ công tác tuyên truyền khi cứu thương.

Phiên bản nóc cao thiết kế vách ngăn giữa khoang lái và khoang bệnh nhân được làm từ composite có cửa sổ trượt giúp người ngồi ở 2 khoang có thể giao tiếp dễ dàng với nhau. Bản nóc thấp không có vách ngăn.

Những mẫu xe cứu thương phổ biến ở Việt Nam, đắt nhất giá 4,2 tỷ đồng - 1
Toyota Hiace cứu thương nóc thấp

Trang bị y tế tiêu chuẩn trên xe phải có cáng vận chuyển bệnh nhân (loại trượt, có dây đai an toàn, bánh xe), ghế cho nhân viên y tế, sàn xe lót chống trơn trượt, móc treo truyền dịch, ổ cắm điện 12V, hộc, giá, kệ, tủ đựng chuyên dụng để lắp đặt trang thiết bị y tế kèm theo của hệ thống ô xy, các trang thiết bị y tế, đựng thuốc, y dụng cụ cấp cứu bảo đảm thuận tiện khi thao tác, vận hành và dễ dàng vệ sinh, tẩy rửa, khử trùng..

Hyundai Starex: giá từ 680 triệu đồng

Thương hiệu đến từ Hàn Quốc khá phổ biến ở các tỉnh thành, được nhiều trung tâm vận chuyển, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển bệnh nhân sử dụng nhờ giá rẻ nhất thị trường. Hiện giá bán của Hyundai Starex cứu thương máy xăng là từ 680 triệu đồng, và máy dầu là từ 760 triệu đồn. Đây là mức giá theo xe được trang bị y tế ở mức tiêu chuẩn.

Những mẫu xe cứu thương phổ biến ở Việt Nam, đắt nhất giá 4,2 tỷ đồng - 2
Hyundai Starex cứu thương

Do có giá bán rẻ hơn so với dòng Hyundai Starex 9 chỗ (giá gần 1 tỷ đồng) nên phiên bản xe cứu thương thường cũng là bản trang bị thấp nhất, như dùng bánh mâm thép có kích thước 215/70R16, đèn pha halogen, không có đèn sương mù. Bên trong buồng lái đủ điều hòa với 2 dàn lạnh, hệ thống giải trí đơn giản với loa và đài radio.

Xe Huyndai Starex cứu thương máy dầu sử dụng động cơ D4CB, 4 xy lanh thẳng hàng kết hợp turbo tăng áp có dung tích xy-lanh 2.497cc, công suất cực đại đạt 130 mã lực tại vòng tua động cơ 3.800 v/ph. Bản máy xăng có dung tích động cơ là 2.359cc, công suất cực đại đạt 174,5 mã lực tại vòng tua 6.000 v/ph, mô-men xoắn cực đại 227,5 Nm tại vòng tua 4.200 v/ph. Cả 2 phiên bản đi kèm là hộp số sàn 5 cấp.

Những mẫu xe cứu thương phổ biến ở Việt Nam, đắt nhất giá 4,2 tỷ đồng - 3
Khoang cấp cứu của Hyundai Starex

Cả 2 phiên bản này đều có kích thước dài, rộng, cao lần lượt 5.150 x 1.920 x 2.135 (mm), chiều dài cơ sở ở mức 3.200 mm, thiết kế (bao gồm cả người lái) 6 người với 3 người trên khoang lái và 3 người ở buồng bệnh nhân. Xe dùng hệ thống amply và micro chuyên dụng, cáng di động để di chuyển nạn nhân, bình oxy, đèn cá nhân, các ngăn tủ đựng đồ y tế, trang thiết bị cấp cứu dung cho y bác sỹ cấp cứu khi theo xe. 

Ford Transit: giá từ 1,1 đến 4,2 tỷ đồng

Với kích thước dài x rộng x cao lần lượt là 5981 x 2059 x 2481 mm, cùng động cơ dầu 2.4L của Ford chuyên dùng để vận chuyển hành khách giúp cho Ford Transit thời gian gần đây là một trong những lựa chọn mới cho dòng xe cứu thương.

Tại Việt Nam, Ford Transit có 2 lựa chọn. Rẻ nhất là phiên bản cứu thương chuyển đổi từ Ford Transit lắp ráp trong nước có giá từ 1,1 tỷ đồng. Lựa chọn thứ 2 là dòng Ford Transit nhập khẩu từ châu Âu, giá lên đến 4,2 tỷ đồng (tùy theo trang bị y tế đi kèm).

Những mẫu xe cứu thương phổ biến ở Việt Nam, đắt nhất giá 4,2 tỷ đồng - 4
Ford Transit cứu thương áp lực âm trị giá 2,5 tỷ đồng được trao tặng cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hồi tháng 7/2020 

Tương tự bản 16 chỗ, phiên bản cứu thương Ford Transit 2.4L sử dụng hộp số sàn 6 cấp, tạo ra công suất cực đại 138 mã lực tại vòng tua máy 3.500 v/ph, mô-men xoắn cực đại 375 Nm tại vòng tua 2.000 v/ph. 

Trên phiên bản cứu thương giá từ 1,1 tỷ đồng, Ford Transit trang bị tiêu chuẩn gồm: đèn tín hiệu cấp cứu, còi hú và loa Dimer, Microphone đặt trong khoang lái, băng ca chính (đai an toàn có khóa, bánh xe tự động, gập mở chân), băng ca phụ thiết kế kiểu gấp, kệ tủ vách đựng thiết bị y tế, móc truyền dịch... 

Những mẫu xe cứu thương phổ biến ở Việt Nam, đắt nhất giá 4,2 tỷ đồng - 5
Bên trong Ford Transit cứu thương áp lực âm

Ở dòng cao cấp hơn, ngoài hệ thống cấp cứu tiêu chuẩn, xe còn trang bị hệ thống áp lực âm, và hệ thống khử trùng bằng tia cực tím, thiết bị sơ cấp cứu và trợ thở hiện đại.

Mercedes-Benz Sprinter: giá từ 3,2 tỷ đồng

Hiện tại ở Việt Nam chỉ có dòng xe cứu thương Mercedes-Benz Sprinter nhập khẩu từ châu Âu, giá khoảng 3,2 tỷ đồng. 

Xe sở hữu kích thước dài x rộng x cao lần lượt là 5.926 x 1.993 x 2.612 mm, chiều dài cơ sở 3.665 mm, cùng tổng trọng tải 3.550 kg. Mercedes-Benz Sprinter trang bị động cơ dầu 2.2L, hộp số sàn 6 cấp, tạo ra công suất cực đại 163 mã lực tại vòng tua máy 3.800 v/ph, mô-men xoắn cực đại 360 Nm tại vòng tua 2.400 v/ph. Dung tích bình nhiên liệu 75 lít.

Những mẫu xe cứu thương phổ biến ở Việt Nam, đắt nhất giá 4,2 tỷ đồng - 6
Mercedes-Benz Sprinter cứu thương

Thiết kế của xe dành cho 1 tài xế và chở thêm 6 người, chia thành 2 buồng riêng biệt. Bên ngoài gắn sẵn đèn, còi chuyên dụng.

Những mẫu xe cứu thương phổ biến ở Việt Nam, đắt nhất giá 4,2 tỷ đồng - 7
Bên trong xe cứu thương Mercedes-Benz Sprinter

Các trang bị y tế đi theo dòng xe này khá hiện đại, đều được nhập khẩu từ Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Những trang bị này gồm: điều hòa 2 chiều khoang bệnh nhân, bồn rửa, tủ đựng thiết bị y tế bằng gỗ MDF cao cấp, cáng chính và cáng phụ, 2 bình oxy, máy hút dịch, áy sốc tim, đồng hồ đo huyết áp...

Các dòng cứu thương hoán cải từ xe SUV, bán tải

Bên cạnh các dòng xe cứu thương truyền thống thiết kế từ các loại xe minivan chở khách, thị trường hiện nay cũng có thêm lựa chọn xe cứu thương hoán cải từ xe SUV, bán tải. Các thương hiệu phổ biến có thể kể đến như Toyota Land Cruiser, Toyota Prado, Ford Everest, Mitsubishi Pajero, Mazda BT-50.

Những mẫu xe cứu thương phổ biến ở Việt Nam, đắt nhất giá 4,2 tỷ đồng - 8
Xe cứu thương hoán cải từ Ford Everest

Đặc điểm của các dòng xe cứu thương trên đều có giá rẻ hơn so với phiên bản chở người do sử dụng từ  bản tiêu chuẩn, đời xe thấp hơn từ 1 đến 2 năm. Ví dụ Ford Everest cứu thương có giá từ 1 tỷ đến 1,3 tỷ đồng, rẻ hơn phiên bản 7 chỗ đang bán từ 100 đến 200 triệu đồng. Tuy nhiên, xe dùng động cơ của phiên bản cũ là loại 2.2L và 3.3L so vơi đời mới dùng động cơ 2.0L nên có sự khác biệt về công nghệ vận hành.

Những mẫu xe cứu thương phổ biến ở Việt Nam, đắt nhất giá 4,2 tỷ đồng - 9
Trang bị y tế bên trong xe cứu thương Ford Everest

Trang bị y tế trên các dòng xe cứu thương hoán cải từ xe SUV, bán tải thường là ở dạng tiêu chuẩn, tức chỉ đủ cáng y tế chính (có đai an toàn, bánh trượt), bình oxy, móc treo dây truyền, hộp y tế... Bù lại, nhờ tính năng vượt địa hình sẵn có (các xe này đều trang bị hệ dẫn động 2 cầu, gầm cao) nên dòng xe cứu thương này thích hợp di chuyển ở những địa hình khó như vùng cao, biên giới và cấp cứu cơ động.

Do đặc thù cứu thương là dòng xe chuyên dùng để vận chuyển bệnh nhân nên mẫu xe này sẽ được miễn một số loại thuế, phí như: thuế trước bạ, phí bảo trì đường bộ, phí cầu, đường… Bên cạnh đó, xe cứu thương không phải là mặt hàng cấm nhập hoặc nhập có điều kiện nên các công ty đủ chức năng nhập khẩu ô tô đều có thể đưa xe về bán. 

Theo Đình Quý (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/oto-xe-may/kham-pha/nhung-mau-xe-cuu-thuong-pho-bien-o-viet-nam-dat-nhat-gia-4-2-ty-dong-758318.html