Ôtô - Xe máy

Những lưu ý khi đi xe tay ga đường đèo dốc

Các mẫu xe máy tay ga hiện đại trên thị trường trong nước luôn đảm bảo các yếu tố an toàn về vận hành dù ở cả đường dốc cao hay đường bằng. Tuy nhiên, đổ đèo vẫn là hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro nên người điều khiển cần nắm rõ những điều dưới đây để có một chuyến đi an toàn.

Nên lựa chọn sử dụng xe tay ga khi đi đường đèo?

Những lưu ý khi đi xe tay ga đường đèo dốc ảnh 1

Tất cả các dòng xe máy đều được thiết kế và đảm bảo các thông số an toàn nhằm phục vụ nhu cầu di chuyển, tham gia giao thông trong điều kiện đường xá đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, người dùng có thể yên tâm sử dụng xe tay ga để vượt những cung đường có độ dốc cao.

Tuy nhiên, xe máy không được thiết kế đảm bảo an toàn trong các trường hợp đi vào những đoạn đường hư hỏng nặng, khu vực không được xây dựng đường xá. Do đó, chúng ta cần tìm hiểu kỹ lộ trình trước khi di chuyển để đảm bảo an toàn.

Những kỹ thuật cần nhớ để lái xe tay ga khi đổ đèo, lên dốc

Trước hết, để đảm bảo chiếc xe vận hành ổn định và an toàn, người sử dụng cần kiểm tra và bảo dưỡng xe định kỳ nhằm phát hiện và sửa chữa kịp thời những vấn đề hư hỏng hoặc những bộ phận sắp đến thời hạn cần thay mới.

Những chi tiết cần quan tâm nhất bao gồm bánh xe, hệ thống đèn, tay ga, mức dầu động cơ, mức dung dịch làm mát, hệ thống tắt máy bằng chân chống nghiêng. Cùng với đó, cần phải phòng tránh các vật liệu dễ cháy mắc vào bên trong xe, khu vực cổ ống xả và phanh xe để phòng tránh nguy cơ hỏa hoạn.

Khi xuống dốc dài, người lái nên khởi động và để xe tự trôi với vận tốc khoảng 15-20 km/h. Sau đó rà phanh, mớm ga tiếp tục để côn bám, cuối cùng thả phanh và ga, xe sẽ tự phanh động cơ. Lúc này, phương tiện sẽ tiếp tục bị ghìm ở khoảng tốc độ như trước khi thả phanh và ga, bởi lẽ các lá côn đã bám, tạo nên ma sát. Như vậy dù người lái không phanh, xe vẫn duy trì được tốc độ hợp lý.

Những lưu ý khi đi xe tay ga đường đèo dốc ảnh 2

Ở bước này, nếu không "mớm" ga từ đầu, xe sẽ xuống dốc tương tự tình trạng đang tắt máy. Khi ở tốc độ chỉ khoảng 15 km/h trở xuống, cơ chế của xe ga là tự ngắt côn để xe trôi theo quán tính. Do đó, nếu từ đầu không "mớm" ga, xe sẽ cứ thế trôi.

Ngoài ra, khi đổ đèo, tốc độ cầm chừng của xe là điều cần phải quan tâm. Yếu tố này liên quan đến việc bám của guốc văng ly hợp. Để đảm bảo phanh động cơ hoạt động hiệu quả, người sử dụng cần đưa phương tiện đến các đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp để kiểm tra và điều chỉnh tốc độ cầm chừng về đúng quy định của nhà sản xuất.

Những lưu ý khi đi xe tay ga đường đèo dốc ảnh 3

Cùng với đó, tài xế cần sử dụng đồng thời cả phanh trước và phanh sau kết hợp với phanh hãm động cơ. Chúng ta nên bóp phanh ngắt quãng, tránh phanh liên tục. Việc sử dụng phanh liên tục hay rà phanh trên các đường dốc dài, cao sẽ gây quá nhiệt lên hệ thống phanh, làm giảm lực ma sát và hiệu quả phanh, thậm chí dẫn đến nguy cơ mất phanh, gây nguy hiểm.

Theo Trần Đình (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/nhung-luu-y-khi-di-xe-tay-ga-duong-deo-doc-post1454156.tpo