Ôtô - Xe máy

Những lưu ý khi di chuyển ngày lễ

Nếu tự lái, bạn nên chuẩn bị xe trước khi di chuyển, đồng thời luôn làm chủ tốc độ trên đường.

Ngày lễ, lượng phương tiện di chuyển tăng đột biến nên có thể xảy ra tình trạng tắc nghẽn, lộn xộn. Để có lộ trình di chuyển phù hợp, độc giả nên ghi nhớ những lưu ý sau.

1. Đối với người sử dụng phương tiện công cộng

Những lưu ý khi di chuyển ngày lễ
Khách chờ tại sân bay Nội Bài. Ảnh: NIA

Bạn cần nắm rõ lộ trình, tần suất, thời gian của từng tuyến, từng chặng. Khi phải di chuyển bằng nhiều phương tiện, qua nhiều khung giờ, bạn cần sắp xếp thời gian sao cho không bị chồng chéo, cần tăng thời gian chờ giữa các chặn tránh tình trạng chặng đầu chưa tới mà chặng tiếp theo đã di chuyển. Ví dụ, nếu đặt ôtô để di chuyển sau khi hạ cánh ở sân bay, tốt nhất nên đặt cách giờ hạ cánh tối thiểu một tiếng, đề phòng máy bay đáp muộn.

2. Sử dụng ôtô dịch vụ

Bạn cần tham khảo lịch trình, chặng đi, thời gian di chuyển để đưa ra mức giá hợp lý. Khi thuê xe, cần thống nhất trước về giá, thời gian chờ, phí cầu đường, bến bãi hay những hỏng hóc của xe, chỗ ăn nghỉ cho tài xế. Thực tế có rất nhiều trường hợp xảy ra xung đột như tiền cầu đường bên nào trả, tài xế lái thuê có được "bao ăn ở" hay không. Nếu đi du lịch, bạn nên mua bảo hiểm để tránh rủi ro.

3. Sử dụng xe thuê, xe mượn tự lái

Những người thuê xe cần làm trước hợp đồng, trong đó chi phí cho từng ngày di thuê, số km phát sinh ( thông thường một ngày không quá 250 km). Bạn cũng cần hỏi rõ tình trạng của xe, hư hỏng bên ngoài, tiêu thụ nhiên liệu, bệnh của xe nếu có (có thể có chức năng không sử dụng được hoặc những bất thường khi xe chạy trên đường).

Khi gặp xe lạ, chưa lái bao giờ, nên dành thời gian để làm quen. Lúc nhận xe cần kiểm tra kỹ tình trạng ban đầu, chốt km, tránh bị bên cho thuê phạt vô cớ.

4. Sử dụng xe cá nhân

Tương tự như thuê xe tự lái, bạn cần chuẩn bị rõ lộ trình phù hợp, tránh mất nhiều thời gian.

Những lưu ý khi di chuyển ngày lễ - 1
Tắc đường ở Đà Lạt chiều 30/4. Ảnh: Khánh Hương

Về cung đường, chú ý các cửa ngõ ra vào thành phố, thông thường sẽ đông vào ngày cuối làm việc và ngày cuối đợt nghỉ lễ. Nếu có thể, bạn nên đổi lộ trình ít xe hơn, hoặc tránh khung giờ cao điểm.

Tài xế nên chuẩn bị xe trước khi khởi hành. Bạn kiểm tra lốp (chính và sơ cua), đèn, còi, các loại dung dịch, phanh, điều hòa và chuẩn bị phương án cho các tình huống có thể xảy ra (thủng lốp, hết nước làm mát, ắc-quy yếu, va chạm giao thông).

Khi di chuyển, cần giữ khoảng cách với xe phía trước, đảm bảo tốc độ, không đi quá nhanh trên cao tốc, luôn quan sát biển báo và hướng di chuyển của các xe xung quanh. Lái xe trong phố cần chú ý làm chủ tốc độ, luôn quan sát người đi bộ, đặc biệt các khu du lịch và vùng quê, nơi người dân di chuyển thường lộn xộn và chủ quan.

Khi phải đỗ xe ở khu vực lạ cần kiểm tra địa hình, biển báo (cấm dừng, đỗ). Tốt nhất nên gửi ở những nơi có người trông giữ, tuy rằng chi phí có thể cao hơn ngày thường.

Theo Đoàn Dũng (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/nhung-luu-y-khi-di-chuyen-ngay-le-4092892.html