Ôtô - Xe máy

Làm thế nào để kính lái đỡ bị mờ khi gặp trời mưa phùn?

Đang lái xe, bỗng kính lái trở nên mờ đi. Nhiều lái xe ít kinh nghiệm sẽ loay hoay lấy tay lau kính để cải thiện tầm nhìn. Thế nhưng, điều đó có thể lại phản tác dụng.

 

Khi gặp trời lạnh và đặc biệt là mưa phùn như mấy ngày qua tại miền Bắc, kính ô tô thường có hiện tượng đọng hơi nước khiến tầm nhìn hạn chế, gây khó khăn khi lái xe.

Theo các chuyên gia, bản chất hiện tượng kính lái, kính cửa sổ hai bên của xe bị mờ xuất phát từ sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên ngoài và trong khoang lái. Do đó, cách khắc phục đơn giản nhất là cần điều chỉnh nhiệt độ trong và ngoài xe cân bằng nhau.

Dưới đây là một số mẹo từ được chia sẻ từ các “tài già” nhiều kinh nghiệm nhằm khắc phục nhanh hiện tượng hơi nước làm mờ kính:

Hạ kính cửa sổ xe

Như đã nói ở trên, cách đơn giản nhất để khắc phục tình trạng kính ô tô bị mờ khi đi đường trời mưa, trời lạnh đó là hạ kính xe xuống nhằm cân bằng nhiệt độ trong và ngoài xe. Khi hạ kính xe, không khí bên ngoài tràn vào trong xe sẽ giúp cân bằng lại nhiệt độ, giảm tình trạng hơi nước tích tụ lại trên kính xe do nhiệt trong xe cao hơn so với bên ngoài.

Làm thế nào để kính lái đỡ bị mờ khi gặp trời mưa phùn?
Hạ cửa kính sẽ giúp nhiệt độ bên trong và ngoài xe cân bằng.

Tuy vậy, dù đã hạ kính xuống nhưng phải mất một thời gian khá lâu mới có thể hết được hơi nước bám trên kính. Mặt khác, khi trời mưa to, việc hạ kính xuống là khó khả thi. Do vậy, đây không phải là cách có thể ngay lập tức cải thiện tình hình

Bật chức năng sấy kính

Hầu hết những mẫu ô tô hiện nay đều được trang bị chức năng sấy kính. Vì vậy khi phát hiện dấu hiệu kính xe bị mờ do hơi nước ngưng tụ, lái xe nên kích hoạt chức năng sấy kính thông qua nút bấm thường được tích hợp trên bảng điều khiển trung tâm.

Đây được xem là cách nhanh nhất, đơn giản nhất để khắc phục hiện tượng kính ô tô bị mờ khi lái xe trong trời mưa. Tuy vậy, ở một số dòng xe đời sâu thì lại không có chức năng này.

Làm thế nào để kính lái đỡ bị mờ khi gặp trời mưa phùn? - 1
Nút sấy kính trước và sau thường được bố trí trên bảng điều khiển trung tâm cùng với cụm điều hoà.

Bật điều hoà lạnh

Một cách dễ dàng để “đánh bay” những hơi nước đó là bật điều hoà lạnh. Theo chia sẻ của một số tài xế có kinh nghiệm, khi kính xe bị mờ từ phía trong do hơi nước, nên bật hệ thống điều hòa sang chế độ lạnh kết hợp với quạt gió. 

Việc bật điều hoà không chỉ làm giảm nhiệt độ mà còn giúp làm hút hơi ẩm bên trong cabin xe. Sau một thời gian ngắn, nhiệt độ cân bằng khiến lượng hơi nước giảm, kính sẽ không bị mờ nữa.

Một lưu ý khi bật điều hoà, đó là bạn nên để chế độ lấy gió trong để hơi nước từ bên ngoài không vào bên trong xe, hơi nước đọng trên kính xe sẽ tan nhanh hơn.

Làm thế nào để kính lái đỡ bị mờ khi gặp trời mưa phùn? - 2
Công tắc lấy gió trong/ngoài trên ô tô.

Bật quạt gió, chuyển sang chế độ lấy gió ngoài

Nếu hệ thống điều hòa hoạt động kém hiệu quả, độ lạnh không sâu thì việc bật quạt gió và chuyển sang chế độ lấy gió ngoài cũng là cách tuyệt vời để xua tan hơi nước bám trên kính.

Theo cách này, lái xe nên bật quạt gió kết hợp chế độ lấy gió ngoài điều chỉnh hướng lên phía kính lái. Quạt gió lúc này sẽ nhanh chóng thổi hơi nước bám trên kính, đồng thời cách làm này sẽ góp phần giảm chênh lệch nhiệt độ bên trong và ngoài xe, giúp kính lái không bị mờ.

Những lưu ý

Ngoài những cách trên, nhiều người còn sử dụng hoá chất, phụ gia xịt lên kính để tránh bám hơi nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những cách này chỉ khiến chủ xe tốn kém và về lâu dài sẽ làm hại kính. Khi gặp trời mưa phùn hoặc trời lạnh, chỉ cần làm theo một trong những cách trên (hoặc kết hợp các cách với nhau) là đủ.

Đồng thời, các chuyên gia khuyên rằng, khi khi phát hiện kính xe bị hơi nước làm mờ, lái xe không nên dùng tay hay khăn hoặc giấy ăn để lau mặt trong của kính lái bởi điều này vừa bất tiện, vừa tạo ra những vệt loang lổ trên kính gây khó chịu cho người lái, nhất là vào ban đêm.

Theo Hoàng Hiệp (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/oto-xe-may/tu-van/lam-the-nao-de-kinh-lai-do-bi-mo-khi-gap-troi-mua-phun-716408.html