Ôtô - Xe máy

Làm cách âm, chống ồn cho xe hơi có thực sự cần thiết?

Nhằm cắt giảm chi phí giá thành, một số mẫu xe hạng phổ thông thường bị cắt giảm công đoạn gia cố chống ồn, dẫn đến việc người lái bị mệt mỏi và ù tai khi di chuyển trên đường. Đây vốn là nhược điểm chung mà người dùng buộc phải chấp nhận, bởi xe càng rẻ thì độ ồn càng to.

Làm cách âm, chống ồn cho xe hơi có thực sự cần thiết?
Ảnh minh họa

Nguyên nhân dẫn đến ù tai, mệt mỏi

Ở các dòng xe bình dân, nhà sản xuất sử dụng rất ít vật liệu cách âm cho ôtô, chủ yếu là tận dụng những đồ sẵn có. Đầu tiên là sử dụng lớp phủ sàn nỉ vừa rẻ lại vừa có thể tiêu âm. Tiếp đến, nếu mở hết phủ sàn nỉ, người dùng sẽ thấy vỏ sàn kim loại được dập nhiều đường gân rãnh lồi lõm có công dụng giảm biên độ rung.

Ngoài ra, một số xe còn có thêm những “miếng vá” kim loại. Đây gọi là damping nhằm dán gia cố chống rung và chống ồn cho sàn xe. Đa phần các miếng damping sẽ dán ở những vị trí rung nhiều khi động cơ xe hoạt động.

Còn ở các khung cửa, nhà sản xuất cũng gia cố thêm gioăng caosu để vừa hỗ trợ đóng và mở cửa thuận tiện, vừa tăng độ kín cách âm. Tuy nhiên, các gioăng này khá mỏng, dễ bị nứt, gãy sau thời gian dài sử dụng.

Với những trang bị cơ bản như trên, những mẫu xe phổ thông rất khó để ngăn cản tiếng ồn từ bên ngoài, kể cả có đóng cửa chặt. Không chỉ cách âm kém, một số xe còn gặp vấn đề với việc tiêu âm khiến cabin luôn có tiếng vọng ù tai.

Có nên làm cách âm, chống ồn xe ôtô

Theo các chuyên gia kỹ thuật xe hơi, khả năng chống ồn kém là nguyên nhân khiến người lái cảm thấy khó chịu, ù tai, mệt mỏi và mất tập trung, đặc biệt khi di chuyển trên quãng đường dài với tốc độ cao. Ngoài ra, đây còn là yếu tố chính gây ra say xe cho những người có hệ thần kinh yếu.

“Để giảm bớt tiếng ồn, nhiều bác tài thường phải bật nhạc, radio trong khi di chuyển. Tuy nhiên, giải pháp này chưa chắc đã hiệu quả, thậm chí còn khiến tình trạng nặng nề hơn bởi sự cộng hưởng của âm thanh trong xe và tiếng ồn bên ngoài” các chuyên gia nhấn mạnh.

Hiện nay, có nhiều giải pháp chống ồn ôtô như dùng thảm lót sàn 6D cách âm, phủ gầm, bọc trần, tăng cường gioăng cao su,… Nhưng theo một số chủ xe có kinh nghiệm, cách chống ồn hiệu quả nhất chính là sử dụng vật liệu tiêu âm chuyên dụng dành cho ôtô.

Chi phí làm cách âm, chống ồn

Anh Lê Minh Quân (45 tuổi) – chủ một garage ôtô chuyên xử lý cách âm, chống ồn ở đường Nguyễn Văn Linh (quận 7, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, thông thường thợ kỹ thuật sẽ dùng vật liệu tiêu âm chuyên dụng dán cố định lên khu vực dễ bị nhiễm tạp âm như: Trần xe, cánh cửa, sàn xe, hốc bánh xe, nắp capo,…

Tuỳ vào đặc tính của từng vị trí trên xe mà thợ thi công sẽ sử dụng một hoặc nhiều lớp vật liệu cách âm ôtô cho phù hợp. Tổng chi phí cách âm ở các bộ phận cửa, sàn xe, khoang máy, trần, hốc bánh xe từ 4-13 triệu đồng/xe 5 chỗ, riêng xe 7 chỗ cao hơn khoảng 1-2 triệu đồng.

Cũng theo anh Quân, để đạt được hiệu quả cao nhất, khách hàng nên đến các cơ sở uy tín với đội ngũ thợ có tay nghề cao. Hơn nữa, bạn cần tìm hiểu rõ về xuất xứ và chế độ bảo hành của từng loại vật liệu, bởi trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nhái kém chất lượng.

Theo Trần Khanh (Lao Động)




https://laodong.vn/xe/lam-cach-am-chong-on-cho-xe-hoi-co-thuc-su-can-thiet-784740.ldo