Ôtô - Xe máy

Kỹ sư ô tô chỉ ra những bộ phận cần chú ý đặc biệt khi chớm vào mùa nóng

Lốp xe, điều hòa, nước làm mát, cần gạt mưa... là những bộ phận trên ô tô dễ gặp vấn đề khi thời tiết nắng nóng. Do vậy, cần kiểm tra và chăm sóc đặc biệt ngay từ đầu hè.

Vào mùa nóng ở Việt Nam, nhiệt độ ngoài trời có thể lên cao tới trên 40 độ C khiến chiếc xe của bạn gặp rất nhiều vấn đề. Do đó, ngay từ đầu hè như hiện nay là thời điểm thích hợp để chúng ta bảo dưỡng và chăm chút cho các bộ phận "dễ bị tổn thương" trên xe.

Kỹ sư ô tô chỉ ra những bộ phận cần chú ý đặc biệt khi chớm vào mùa nóng
Vào mùa nóng, xe sẽ có nhiều "bệnh" hơn so với mùa lạnh. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Dưới đây là một số bộ phận mà kỹ sư ô tô Lê Hồng Đại - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại ô tô Đại Linh (Hà Nội) chỉ ra và khuyên chủ xe cần chú ý chăm sóc đặc biệt ngay từ đầu mùa hè:

Dầu nhớt và nước làm mát

Thời tiết nắng nóng của mùa hè khiến nhiệt độ của động cơ tăng nhanh, dẫn tới hệ thống làm mát phải hoạt động hết công suất. Điều này khiến các loại nước mát và dầu bôi trơn dễ bị giảm chất lượng và hao hụt nhiều hơn. 

Vì thế, lái xe nên kiểm tra dầu bôi trơn, nước làm mát xe ô tô thường xuyên và bổ sung ngay khi thiếu, tránh tình trạng hệ thống máy móc của xe phải hoạt động trong tình trạng quá nhiệt dẫn tới hỏng hóc, thậm chí nằm đường.

Đặc biệt, nước làm mát cần được thay thế, bổ sung bằng loại nước chuyên dụng (thường có màu xanh hoặc hồng) bởi đây là loại dung dịch có khả năng làm mát nhanh hơn, đồng thời chống đóng cặn sau một thời gian sử dụng.

Lốp xe

Lốp xe là bộ phận duy nhất tiếp xúc trực tiếp với mặt đường khi xe di chuyển. Vào mùa hè, nhiệt độ của đường nhựa có thể lên tới trên 70 độ C, cộng với ma sát khiến lốp xe dễ có nguy cơ nổ khi đang di chuyển rất nguy hiểm.

Để giảm thiểu sự cố nổ lốp xe ô tô, lái xe nên kiểm tra phần lốp kĩ càng, đặc biệt trước mỗi chuyến đi đường dài và những ngày có nhiệt độ cao. Nếu lốp xe đã quá mòn hoặc đã sử dụng quá 5 năm, đừng tiếc tiền để thay một bộ lốp mới.

Kỹ sư ô tô chỉ ra những bộ phận cần chú ý đặc biệt khi chớm vào mùa nóng - 1
Lốp xe là bộ phận dễ hư hại khi thường xuyên sử dụng dưới thời tiết nắng nóng. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Điều hòa

Điều hòa ô tô là bộ phận không thể thiếu và được sử dụng liên tục khi trời nắng nóng, do đó việc kiểm tra và bảo dưỡng điều hòa là cực kỳ quan trọng, ngay cả có vẻ như hệ thống này vẫn hoạt động bình thường.

Thông thường, xe cần được kiểm tra lượng ga làm mát, dầu bôi trơn của máy nén; kiểm tra quạt gió, máy nén khí hay bộ lọc gió để làm sạch hoặc sửa chữa nếu cần. Ngoài ra, lái xe cũng kiểm tra dàn nóng, lạnh trên xe. Nếu có bị bụi bẩn sau một thời gian sử dụng thì nên làm sạch để hệ thống điều hòa làm mát đều và sâu.

Ắc quy

Mùa hè có thời tiết nóng ẩm, nhiệt độ tăng cao là nguyên nhân hàng đầu khiến ắc quy ô tô có thể nhanh hỏng hơn. Theo lý giải, khi nhiệt độ cao khiến phản ứng diễn ra nhanh hơn và dễ gây tổn hại cho cấu trúc phía trong ắc quy. Ngoài ra, nhiệt cao vào mùa hè cũng khiến ắc quy dễ mất cân bằng xung điện làm chập cháy ắc quy, rất nguy hiểm.

Do vậy, nên thường xuyên kiểm tra tình trạng của ắc quy vào mùa nóng, đặc biệt là các mối nối, đầu cực ắc quy xem có hiện tượng "sùi" bột trắng không. Nếu có những hiện tượng lạ, cần kiểm tra và thay thế một bình ắc quy khác đúng chủng loại để yên tâm hơn khi sử dụng ô tô mùa nóng. 

Cần gạt mưa

Cần gạt mưa là bộ phận không thường xuyên làm việc nhưng nếu có mưa bão bất chợt thì đây là chi tiết rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tầm nhìn và sự an toàn khi lái xe. Lưỡi gạt mưa làm bằng cao su hoặc nhựa dẻo cũng rất dễ hư hỏng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều, do đó cần thường xuyên kiểm tra bộ phận này. 

Nếu gạt mưa mà có cảm giác không sạch, để lại vệt vòng trên kính lái hoặc có tiếng kêu "cọt kẹt" bởi ma sát giữa lưỡi gạt và kính thì bạn nên thay một lưỡi gạt mới. Ngoài ra, nước rửa kính chuyên dụng cũng nên được kiểm tra và bổ sung thường xuyên để đảm bảo gạt mưa hoạt động tốt nhất.

Theo Kỹ sư ô tô Lê Hồng Đại (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/ky-su-o-to-chi-ra-nhung-bo-phan-can-chu-y-dac-biet-khi-chom-vao-mua-nong-2016491.html