Ôtô - Xe máy

Góc tới, góc thoát, vượt đỉnh dốc - những con số ít tài xế để ý

Các góc trên dùng để đánh giá khả năng vượt chướng ngại vật của ôtô, phụ thuộc vào khoảng sáng gầm và chiều dài cơ sở.

Góc tới, góc thoát, vượt đỉnh dốc - những con số ít tài xế để ý
Góc thoát, góc tới, góc vượt đỉnh dốc.

Góc tới hay còn gọi là góc tiếp cận là góc lớn nhất mà xe có thể vượt chướng ngại vật mà không bị chạm đầu xe. Góc tới là góc tạo thành giữa mặt tiếp xúc với đường nối mép dưới đầu xe và bánh xe. 

Góc thoát là góc lớn nhất mà xe có thể rời chướng ngại vật mà không bị chạm phần đuôi. Giống như góc tới, góc thoát là góc tạo thành giữa mặt tiếp xúc với đường nối bánh xe và cản sau. Hầu hết, các xe off-road đều có góc tới và góc thoát trên 25 độ. Các góc này càng lớn thì khả năng tiếp cận và rời chướng ngại vật càng cao.

Góc vượt đỉnh dốc là góc lớn nhất mà xe có thể leo qua chướng ngại vật mà không bị chạm phần giữa gầm (như hình trên). Góc vượt đỉnh dốc phụ thuộc vào khoảng sáng gầm và chiều dài cơ sở. Cùng một khoảng sáng gầm, xe có chiều dài cơ sở ngắn hơn sẽ có góc vượt đỉnh dốc lớn hơn và khả năng leo qua chướng ngại vật cũng tốt hơn.

Ví dụ: Toyota Fortuner có góc tới là 30 độ, góc vượt đỉnh dốc 23,5 độ và góc thoát 25 độ. Honda CR-V 2018 với góc tới 19,3 độ và góc thoát 23,5 độ. Ford EcoSport có góc tới 25 độ và góc thoát 35 độ. Mẫu chuyên off-road Jeep Wrangler có góc tới lên đến 44 độ, góc vượt đỉnh dốc 27,8 độ và góc thoát 37 độ.

Theo Minh Vũ (VnExpress.net)