Kinh tế

Yêu cầu làm lại nghị định quản lý xe công nghệ dù đã có dự thảo lần 7

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng dự thảo nghị định 86 mới về quản lý kinh doanh vận tải của Bộ GTVT chưa đạt yêu cầu và giao làm lại. Bộ GTVT phải trình Thủ tướng trước 15/4.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi họp rà soát dự thảo nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (thay thế Nghị định 86/2014). Dự thảo do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xây dựng, nhưng đã phải chỉnh sửa đến 7 lần vẫn chưa hoàn thành.

Đây là dự thảo nghị định giúp quản lý các loại hình kinh doanh vận tải, đặc biệt là quản lý Grab, VATO, FastGo hay Go-Viet... Ngoài ra cũng ảnh hưởng đến hàng trăm doanh nghiệp taxi trên cả nước.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá đây là nghị định có tác động rất lớn đến trật tự, an toàn giao thông cũng như quyền lợi của người dân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã đã tích cực xây dựng.

Yêu cầu làm lại nghị định quản lý xe công nghệ dù đã có dự thảo lần 7
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng nội dung dự thảo nghị định vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Tuy nhiên, ông cho rằng nội dung dự thảo nghị định vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn nhiều ý kiến khác nhau đối với một số nội dung trọng yếu. Một số nội dung chưa phù hợp với pháp luật hiện hành, điển hình là Luật Giao thông Đường bộ, Luật Giao dịch Điện tử...

Để bảo đảm tính khả thi khi nghị định được ban hành, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, đơn vị: Công an, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, các hiệp hội và doanh nghiệp vận tải lớn trong và ngoài nước... nghiên cứu, rà soát kỹ nội dung dự thảo.

Ông nhấn mạnh việc rà soát phải trên tinh thần phù hợp với các luật có liên quan, nhất là Luật Giao thông Đường bộ, Luật Giao dịch điện tử, Luật Hợp tác xã… Đồng thời bảo đảm các nguyên tắc phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân, cũng như bảo đảm vai trò quản lý của nhà nước; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông.

“Phải đảm bảo đảm văn minh đô thị; minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh; tuyệt đối không để xảy ra kẽ hở pháp lý, làm phát sinh lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách và thực thi pháp luật”, văn bản nêu.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu dự thảo nghị định phải giúp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông vận tải; khuyến khích các thành phần kinh tế, các loại hình kinh doanh vận tải ứng dụng khoa học công nghệ; loại bỏ các nội dung gây cản trở tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận tải, cũng như làm triệt tiêu các mô hình đổi mới sáng tạo.

Riêng đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi (kể cả người lái xe), Bộ GTVT nghiên cứu kỹ 2 phương án đã được các thành viên Chính phủ biểu quyết. Đó là xe taxi và xe hợp đồng.

Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT cần nghiên cứu ý kiến của bộ trưởng các Bộ Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ. Từ đó đề xuất thêm phương án phù hợp trên tinh thần bảo đảm các nguyên tắc nêu trên, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/4.

Trong dự thảo lần thứ 7 được Bộ GTVT đã trình Chính phủ, bộ này tiếp tục khẳng định việc sẽ quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ có ứng dụng phần mềm như đối với taxi. Nghĩa là những loại hình xe 4 bánh của Grab, VATO, FastGo… sẽ bị coi là taxi.

Bộ GTVT cho rằng như vậy sẽ tạo công bằng, bình đẳng hơn về điều kiện kinh doanh vận tải và giải quyết được vấn đề kiến nghị mà các Hiệp hội taxi đề xuất.

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)