Kinh tế

Xử lý nợ của đại gia thủy sản Tòng Thiên Mã ra sao

Với số nợ gần 900 tỷ đồng, Tổ công tác đặc biệt xác định chỉ còn cách cho thuê nhà máy hoặc huy động các chủ nợ tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp của đại gia thủy sản miền Tây.

Với số nợ gần 900 tỷ đồng, Tổ công tác đặc biệt xác định chỉ còn cách cho thuê nhà máy hoặc huy động các chủ nợ tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp của đại gia thủy sản miền Tây.
 

Theo đó, sau gần một tháng làm việc, Tổ công tác xác định tổng số nợ của doanh nghiệp này lên đến 891 tỷ đồng, trong đó vay 516 tỷ đồng vốn của chi nhánh hai ngân hàng lớn ở Hậu Giang, nợ nhà cung cấp vật tư 95 tỷ, nợ 28 hộ bán cá 16,6 tỷ, nợ cá nhân 5,4 tỷ đồng. Riêng tiền lãi phải trả cho ngân hàng là 383 tỷ. Hiện các đối tác còn nợ doanh nghiệp này 32 tỷ đồng và giá trị tài sản hiện tại của Thiên Mã còn khoảng 110 tỷ đồng, đã cầm cố, thế chấp.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ nần chồng chất của đại gia thủy sản một thời được coi là doanh nhân trẻ thành đạt, ông Hùng nói: “Do vay vốn ngắn hạn đầu tư trung dài hạn và đổ vào bất động sản, trong khi lãi suất vay ngân hàng quá cao, có lúc lên đến 21% một năm. Khi thị trường nhà đất đóng băng, ngành cá tra rơi vào khủng hoảng thừa đã làm cho danh nghiệp mất cân đối nghiêm trọng”.

xu-ly-no-cua-dai-gia-thuy-san-tong-thien-ma-ra-sao

Tổng số nợ của đại gia thủy sản Tòng Thiên Mã gần 900 tỷ đồng. Ảnh: Cửu Long

Hiện tại nhà máy của Công ty Thiên Mã vẫn hoạt động gia công cho một đơn vị khác tại khu công nghiệp Trà Nóc, nhưng còn nợ thuế 11 tỷ, nợ tiền điện, nước và lương công nhân 1,6 tỷ đồng. “Để không phát sinh nợ mới và ổn định việc làm, thu nhập của 400 công nhân tại đây, chúng tôi đề nghị UBND TP Cần Thơ phương án cho thuê nhà xưởng hoặc kêu gọi các chủ nợ lớn tham gia tái cơ cấu đơn vị này”, ông Hùng nói và cho biết thêm nếu tình hình phức tạp hơn thì đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp. 

Cuối tháng 3 vừa qua, Cục cảnh sát Kinh tế (C46, Bộ Công an) bắt giữ ông Phan Bá Tòng - Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã, nằm trong khu công nghiệp Trà Nóc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Khoảng 15 năm trước, từ một nhân viên nhà hàng với khả năng quản lý tốt, giỏi tiếng Anh cộng với tài pha chế rượu, Phan Bá Tòng được một thương nhân người Mỹ để ý và mời hợp tác làm ăn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thủy sản. Tòng đảm nhiệm tốt vai trò đại lý cung ứng nguồn hàng cá tra, ba sa xuất khẩu qua Mỹ nên việc làm ăn ngày càng phát triển.

xu-ly-no-cua-dai-gia-thuy-san-tong-thien-ma-ra-sao-1

Thời hoàng kim, Phan Bá Tòng sở hữu nhiều nhà đất, siêu xe. Ảnh: A.X

Năm 2005, Tòng đứng ra thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã với vốn điều lệ 70 tỷ đồng để chủ động sản xuất kinh doanh theo quy trình khép kín. Biệt danh “Tòng Thiên Mã” cũng bắt đầu từ đây. Không lâu sau, đơn vị này phất lên với 3 nhà máy sản xuất có hàng nghìn công nhân làm việc, 12 trang trại thủy sản khép kín quy mô 100ha, với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Đại gia thủy sản từng sở hữu 3 biệt thự lớn ở trung tâm Cần Thơ, xe Hummer H2 nhập từ Mỹ, biển số 3333 và chiếc ôtô Camry biển 9999, đồng thời từng có ý mua máy bay trực thăng để làm ăn, thăm vùng nuôi thủy sản và tự thân qua Mỹ học lái.

Thời điểm năm 2010, ngành cá tra Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng, công ty của Tòng Thiên Mã cũng nằm trong vòng xoáy khắc nghiệt này, phải cạnh tranh gay gắt với hàng trăm doanh nghiệp cùng ngành, trong khi nợ ngân hàng với lãi suất cao từ những lần vay trước ngày một lớn, khiến Tòng bắt đầu mất cân đối thu chi.

Để cứu công ty bên bờ vực phá sản, như một số đại gia thủy sản khác ở miền Tây, Tòng Thiên Mã phải tìm cách vay thêm vốn mới để trả nợ cũ, nên ngày càng lún sâu trong nợ nần. Cuối năm 2012, ông Tòng tuyên bố số nợ gần 600 tỷ đồng, mất khả năng thanh toán…

Theo Cửu Long (VnExpress.net)