Kinh tế

Xăng tăng giá 20%, shipper đòi vác xe đạp đi giao cho tiết kiệm

Giá xăng được điều chỉnh thêm gần 1.000 đồng/lít khiến người dân không khỏi ngao ngán, đặc biệt là những người hành nghề vận tải.

Chiều 2/5, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định điều chỉnh giá xăng E5 thêm 985 đồng/lít và RON 95 tăng 956 đồng/lít, với giá bán lẻ tối đa lần lượt ở mức 20.688 đồng/lít và 22.191 đồng/lít.

Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 10/2018. Chỉ sau một tháng rưỡi, giá xăng đã tăng 3 lần liên tiếp và thêm 3.500 đồng/lít.

Xăng tăng giá 20%, shipper đòi vác xe đạp đi giao cho tiết kiệm
Giá xăng tăng mạnh tác động trực tiếp đến túi tiền của những người hành nghề vận tải. Ảnh: Hoàng Đông.

Gặp chúng tôi vào một buổi trưa nắng nóng, anh Gia Bảo (26 tuổi, quê Thái Bình) làm shipper đã hơn 2 năm nay, chua chát nói: “Xăng tăng như này mà phí ship thì thấp. Anh ạ, có khi tôi phải vác xe đạp ra đi ship vậy, vừa tiết kiệm lại tập thể dục được luôn”.

Anh Bảo chia sẻ nghề giao hàng là nghề vất vả, lời lãi mỗi đơn chẳng đáng là bao, trong khi công sức bỏ ra và rủi ro lại quá lớn.

Người đàn ông này khẳng định anh sẵn sàng làm một công việc khác nếu mức thu nhập tốt hơn và được đóng bảo hiểm xã hội.

Giá xăng tăng liên tiếp cộng với hóa đơn tiền điện tăng cao vừa qua đã gây áp lực lớn lên giá cước vận tải, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng.

Trong khi các hãng taxi chưa có thông báo chính thức nào, một số hãng xe công nghệ đang cho thấy biểu hiện của sự tăng giá.

Đặt xe ôm trên ứng dụng của Grab đi từ Bệnh viện 198 (Mai Dịch, Cầu Giấy) đến Đại học Thăng Long (Đại Kim, Hoàng Mai) không phải giờ cao điểm, giá cước thông báo là 47.000 đồng. Quãng đường trên dài 10 km, thời gian di chuyển hết 22 phút. Trong khi đó, theo công thức giá được Grab công bố, giá cho chặng đường 10 km là 46.000 đồng. Mức chênh 1.000 đồng này tương ứng 2,5%.

Xăng tăng giá 20%, shipper đòi vác xe đạp đi giao cho tiết kiệm - 1
Các hãng vận tải rất có thể sẽ tăng giá cước trong thời gian tới. Ảnh: Quỳnh Trang.

Các hãng hàng không ngay từ đầu năm cũng đã phải tính phương án dự phòng cho trường hợp giá xăng tăng. 

Phó tổng giám đốc Viejet,ông Tô Việt Thắng, cho biết hãng có dự phòng phòng vệ rủi ro về giá nguyên liệu. "Chúng tôi đã có phương án sẵn sàng với 30-60% tổng chi phí nguyên liệu trong 3-6 tháng", ông Thắng cho hay.

Các doanh nghiệp vận tải khác cũng than khó vì áp lực giá xăng tăng. Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Văn Chánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết nhiều doanh nghiệp vận tải đang gặp cảnh thua lỗ, phải bán rẻ xe. Lý do một phần từ việc giá xăng dầu và các chi phí tăng trogn khi nguồn hàng thiếu, giá cước giảm. Giá nguyên liệu hiện chiếm tới 35% chi phí vận tải hàng hóa.

Không chỉ các ngành kinh tế, cuộc sống người dân cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ quyết định điều chỉnh giá xăng. Theo nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Kinh tế Quốc dân, chỉ riêng 2 đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong tháng 4 đã làm chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,41%.

Giá xăng dầu tăng còn đẩy các chi phí trung gian của nền kinh tế, đẩy giá bán đến tay người tiêu dùng. Không ít người cho rằng kể từ khi giá xăng lên, các mặt hàng tiêu dùng khác cũng tăng một cách chóng mặt. Nhiều người dân than phiền cuộc sống của họ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Chị Thu Hương, kế toán tại một công ty xây dựng tại Hà Đông, chia sẻ: “Giờ ra chợ rất khó lựa đồ, không khéo là hết tiền hoặc cả nhà sẽ bị thiếu thức ăn. Đơn cử bó rau muống đã 15.000 đồng/mớ rồi. Hết điện, giờ xăng lại tăng, chỉ mỗi lương là vẫn giữ nguyên thôi”.

Trước nhiều ý kiến cho rằng việc tăng giá xăng dầu chưa tính đến lợi ích của người tiêu dùng, mới đây Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định giá xăng tăng thấp hơn mức tăng giá thành phẩm thế giới. Mục đích nhằm hỗ trợ đời sống người dân, doanh nghiệp, giúp điều hành kinh tế vĩ mô.

Theo Văn Hưng (Tri Thức Trực Tuyến)