Kinh tế

Vụ vỡ trận căn hộ condotel ở Đà Nẵng rủi ro đã được cảnh báo từ lâu

Cam kết lợi nhuận trong bất động sản tới 10%, 12% đã được nhiều chuyên gia phân tích mổ xẻ ngay từ khi mới chớm rộ. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư đã bỏ qua lời cảnh báo chấp nhận cuộc chơi để giờ đây ôm hận.

Nhiều nhà đầu tư thừa nhận khi mua sản phẩm condotel, họ đều nghe theo lời giới thiệu của môi giới hoặc mua theo đám đông, tìm hiểu thông tin trên mạng hoặc đầu tư bằng niềm tin với chủ đầu tư. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy niềm tin đó nhiều khi cũng không được đáp lại xứng đáng, cụ thể là cam kết lợi nhuận và chi trả không giống nhau.

Phát biểu trong khuôn khổ của Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên 2019 diễn ra ngày 27/11 Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) Nguyễn Trần Nam cho rằng mức cam kết chi trả lợi nhuận tới 12% của chủ đầu tư đưa ra với khách hàng tham gia là không có cơ sở. Mức này cao gần gấp 2 so với lãi suất ngân hàng tại thời điểm đó (khoảng 6-7%/năm) mà khách hàng lại không lo tài sản mất giá, thậm chí còn tăng giá...

Vụ vỡ trận căn hộ condotel ở Đà Nẵng rủi ro đã được cảnh báo từ lâu
Phân khúc condotel đang rơi vào thời điểm khủng hoảng.

Luật pháp không cấm cam kết lợi nhuận vì đây là thỏa thuận dân sự giữa chủ đầu tư và khách hàng, người thuê và cho thuê nhưng vẫn đánh vào “lòng tham” và sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư. Bởi như vậy, chẳng ai muốn gửi tiền tiết kiệm mà sẽ tham gia đầu tư. Số tiền gốc gửi tiết kiệm vẫn còn nhưng ít nhiều cũng giảm do trượt giá. Ngay thời gian đó, nhiều doanh nghiệp cũng than phiền về cách thu hút nhà đầu tư của các chủ dự án condotel là cạnh tranh không lành mạnh.

Nhiều chủ đầu tư cứ "hứa đại" chỉ để bán được hàng, đánh vào tâm lý ham lợi nhuận của nhà đầu tư. Tuy nhiên, lợi nhuận cao, lãi suất và kỳ vọng lớn thì rủi ro cũng không kém phần - ông Nam phân tích.

Báo Người Tiêu Dùng vào các năm 2017, 2018 đã có nhiều bài viết phân tích về những rủi ro mà người mua căn hộ Condotel có thể phải gặp phải, cảnh báo về sự bất thường của những cam kết lợi nhuận mà chủ đầu tư dự án Condotel đưa ra. Chỉ tiếc rằng sự hấp dẫn về mức cam kết lợi nhuận đã khiến nhiều nhà đầu tư lao theo bất chấp.

Vụ việc Empire Group - chủ đầu tư Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng tuyên bố dừng chi trả lợi nhuận với các shophouse, căn hộ khách sạn (condotel) từ đầu năm 2020 dù mới thực hiện hơn một phần tư thời hạn cam kết ban đầu gần như tác động ngay lập tức lên thị trường căn hộ Condotel và lúc này người ta mới bắt đầu xem lại những cảnh báo được đưa ra từ lâu. Thậm chí, nhiều cảnh báo về sự sụp đổ của loại hình căn hộ này.

Mới nhất, Trong báo cáo của Công ty TNHH Savills Việt Nam ông Troy Griffiths Phó tổng giám đốc cho biết, cách đây 2-3 năm, khi condotel bùng nổ tại Việt Nam, cam kết lợi nhuận là một chính sách phổ biến để thu hút khách hàng. Dường như đã xảy ra một cuộc cạnh tranh giữa các dự án về mức lợi nhuận cam kết, dẫn đến những mức lợi nhuận cam kết cao khó tin. Đã có những cảnh báo đưa ra nhưng nhà đầu tư vẫn chạy theo mức lợi nhuận hấp dẫn.

Ông Troy cho biết thêm, tình trạng phá vỡ cam kết lợi nhuận condotel đã từng xảy ra tại các thị trường khác trên thế giới và cú sốc Cocobay tại Việt Nam là cơ hội để nhìn lại toàn diện kênh đầu tư này. Và Savills Việt Nam nhận định chắc chắn sẽ có thêm các trường hợp dự án condotel không thể đáp ứng được mức lợi nhuận cam kết bởi thị trường vẫn tồn tại các dự án chưa được đầu tư đúng mức.

Trong tình huống cam kết lợi nhuận bị chấm dứt, hướng giải quyết phổ biến nhất là ban hành một cáo bạch về đầu tư với báo cáo tài chính được kiểm toán, từ đó kết nối với lượng vốn phong tỏa để đáp ứng cho hoạt động vận hành dự án. Ở nhiều quốc gia như Singapore, Hong Kong và Australia, đây là giải pháp bắt buộc để đảm bảo chủ đầu tư tuân thủ nghĩa vụ và người mua được bảo vệ.

Theo Vũ Sơn (Nguoitieudung.com.vn)




http://www.nguoitieudung.com.vn/vu-vo-tran-can-ho-condotel-o-da-nang-rui-ro-da-duoc-canh-bao-tu-lau-d79298.html