Kinh tế

Vietlott phải nộp lợi nhuận về các tỉnh theo tỷ lệ doanh thu

Trường hợp khoản lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách theo quy định, Vietlott thực hiện kê khai tại trụ sở chính, phân bổ vào ngân sách địa phương theo tỷ lệ doanh thu thực tế phát sinh trên từng địa bàn tỉnh, thành phố.

Đây là một trong những quy định về nghĩa vụ của Vietlott với ngân sách Nhà nước được cụ thể hóa trong Nghị định 122/2017/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 13/11/2018 và chính thức có hiệu lực vào 1/1/2018.

Vietlott phải nộp lợi nhuận về các tỉnh theo tỷ lệ doanh thu
Lợi nhuận sau thuế của Vietlott sẽ phải nộp về cho ngân sách địa phương tương ứng với doanh thu kinh doanh của doanh nghiệp đặt tại mỗi tỉnh

Cụ thể, về các nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp, thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của người trúng thường, Nghị định 122 của Chính phủ quy định rõ: Doanh nghiệp khấu trừ, kê khai và quyết toán khoản thu thuế thu nhập cá nhân phải nộp tại trụ sở chính, Vietlott thực hiện phân bổ thuế TNCN phải nộp vào ngân sách địa phương theo quy định, trong đó có thuế thu nhập cá nhân đối với người trúng thưởng, thực hiện phân bổ theo tỉnh, thành nơi cá nhân đăng ký tham gia dự thưởng.

Trường hợp khoản lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách theo quy định, Vietlott thực hiện kê khai tại trụ sở chính, phân bổ vào ngân sách địa phương theo tỷ lệ doanh thu thực tế phát sinh trên từng địa bàn tỉnh, thành phố.

Nghị định của Chính phủ cũng xác định rõ doanh thu thực tế của Vietlott tại từng tỉnh và thành phố như sau: đối với phương thức phân phối vé thông qua thiết bị đầu cuối, doanh thu được ghi nhận phát sinh từ các máy đầu cuối đăng ký bán vé xổ số trong địa giới hành chính từng tỉnh, thành phố hoặc các cửa hàng, điểm bán vé mà DN thiết lập.

Với phương thức phân phối vé xổ số Vielott qua điện thoại và internet, doanh thu được xác định là địa điểm khách hàng đăng ký tham gia dự thưởng khi mở tài khoản dự thưởng.

Cũng tại Nghị định 122, Chính phủ quy định rõ: Doanh nghiệp kinh doanh xổ số chỉ được đầu tư ra bên ngoài đối với các ngành nghề liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xổ số.

Trước đó, Vietlott cho biết trong 9 tháng đã đạt doanh thu bán vé là 2.860 tỷ đồng, riêng khu vực miền Nam là 2.111 tỷ đồng (chiếm 4,05% tổng doanh thu), nộp ngân sách các địa phương triển khai khu vực miền Nam là 537,2 tỷ đồng, trong đó thu hộ thuế thu nhập cá nhân trúng thưởng là 72,851 tỷ đồng.

Trong 3 quý đầu năm 2017, Vietlott đã xác định có 28 kỳ quay số (25 kỳ quay sản phẩm Mega 6/45 và 3 kỳ quay sản phẩm Power 6/55) có khách hàng trúng giải Jackpot với tổng giá trị hơn 1.150 tỷ đồng.

Tính đến tháng 10/2017, Vietlott đã triển khai kinh doanh thêm tại 10 địa phương, nâng tổng số địa bàn Vietlott triển khai kinh doanh là 34 tỉnh, thành phố.

Ngay đầu tháng 10/2017, ông Tống Quốc Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) có đơn xin từ chức gửi Bộ Tài chính vì lý do cá nhân. Đơn từ chức của ông Trường ngay sau đó cũng được Bộ Tài chính chấp thuận.

Được biết, ông Trường từng đảm nhiệm chức Trưởng Ban, Tổng Giám đốc tại Ban chuyên môn và Doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Xa hơn, ông này có thời gian làm Tổng Giám đốc tại Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) từ tháng 06/2007 đến tháng 3/2010 sau khi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn từ nhiệm.

Theo Nguyễn Tuyền (Dân Trí)