Kinh tế

Việt Nam hoà nhập dòng chảy thương mại

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 diễn ra tại Hà Nội vừa qua, Viện Toàn cầu McKinsey (MGI) công bố báo cáo "Hiệu quả vượt trội: các nền kinh tế mới nổi với sức tăng trưởng cao và những DN hậu thuẫn". MGI đánh giá, Việt Nam là một trong 18 nền kinh tế có hiệu quả vượt trội.

Quốc gia có nhiều sáng kiến

Cụ thể, trong tổng số 71 nền kinh tế được MGI phân tích, có 18 nền kinh tế được đánh giá vượt trội. Trong đó, 7 nền kinh tế đã tăng trưởng GDP bình quần đầu người hơn 3,5% trong vòng 50 năm (1965 - 2016), bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.

11 nền kinh tế còn lại, có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn với mức 5%/năm trong khoảng thời gian ngắn hơn 20 năm (1996 - 2016): Azerbaijan, Belarus, Campuchia, Ethiopia, Ấn Độ, Kazakhstan, Lào, Myanmar, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam.

Theo bà Anu Madgavkar, Phụ trách MGI tại Ấn Độ, dù có sự khác biệt giữa tính chất và chính sách của các nền kinh tế này, nhưng các nền kinh tế được đánh giá vượt trội đều có sự tương đồng bởi 2 yếu tố cơ bản trong mô hình tăng trưởng kinh tế. Thứ nhất, chính sách hỗ trợ tăng trưởng tạo ra vòng tuần hoàn về năng suất, thu nhập và nhu cầu, từ đó khuyến khích tiết kiệm, bảo đảm ổn định và thúc đẩy cạnh tranh. Thứ hai, vai trò trọng yếu của các DN lớn trong thúc đẩy năng suất và tăng trưởng.

Bà Anu Madgavkar cho rằng, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có nhiều sáng kiến, đổi mới về công nghệ. Điều này thể hiện rất rõ ở tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tăng trưởng GDP thời gian qua thông qua những giải pháp công nghệ, thúc đẩy năng suất lao động.

Tuy nhiên, đại diện MGI cũng cảnh báo quá trình này của Việt Nam có thể không suôn sẻ, khi Việt Nam phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số. Bên cạnh vấn đề về nhân khẩu học, quá trình đô thị hóa, sự dịch chuyển lao động từ khu vực có mức lương thấp sang khu vực có mức lương cao hơn sẽ diễn ra rất mạnh.

Việt Nam hoà nhập dòng chảy thương mại
Bà Anu Madgavkar - Phụ trách MGI tại Ấn Độ trong buổi công bố báo cáo

Những nỗ lực được ghi nhận

Trên trang web của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), học giả Peter Vanham đã có một bài viết mang tựa đề “Câu chuyện về điều thần kỳ của kinh tế Việt Nam. Trong đó, ông đã điểm lại những thành tựu của kinh tế Việt Nam trong 30 năm trở lại đây, đồng thời đưa ra một số lý giải cho sự phát triển đáng kinh ngạc này.

Theo các nhà phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức nghiên cứu chính sách Brookings, sự phát triển của kinh tế Việt Nam có thể được giải thích từ 3 yếu tố chính: Việt Nam đã hòa nhập được vào dòng chảy thương mại tự do; Việt Nam đã kết hợp thành công thương mại tự do bên ngoài với đổi mới từ bên trong bằng cách giảm bớt các rào cản và hạ chi phí kinh doanh; Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào nhân lực và vốn, nhất là thông qua đầu tư công.

Những nỗ lực của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận. Trong Báo cáo về tính cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam từ thứ hạng 77 năm 2006, tăng lên thứ hạng 55 vào năm 2017. Bảng xếp hạng Mức độ dễ dàng để kinh doanh của WB đặt Việt Nam ở vị trí 68 vào năm 2017, tăng 36 bậc từ vị trí 104 năm 2007. Năm ngoái, WB nhận xét, Việt Nam tiến bộ trên mọi lĩnh vực từ thực hiện hợp đồng, tăng cường tiếp cận tín dụng, trả thuế và thương mại dọc biên giới…

Ngay cả khi Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bảo hộ phương Tây đang gia tăng, các quốc gia Đông Nam Á vẫn có thể dựa vào tầng lớp trung lưu của mình để tạo ra cú thúc kinh tế mới. Các nhà bán lẻ quốc tế và cả nội địa đều đang mở rộng kinh doanh mạnh mẽ tại Việt Nam, khi người dân ngày càng có nhiều khả năng tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ.

Điều này có nghĩa, một ngày nào đó, thay vì các cửa hàng nhỏ bận rộn và xe máy, Việt Nam sẽ ngập tràn các trung tâm thương mại lớn và ô tô. Nhưng lúc này, Việt Nam vẫn đang phát triển với tốc độ của mình và bằng cách của riêng mình.

Theo Cao Huyền (Thương Hiệu & Công Luận)