Kinh tế

Việt Nam đặt mục tiêu thu nhập 5.000 USD/người vào năm 2025

Với tham vọng tăng trưởng GDP 6,5-7% trong 5 năm tới, tiếp tục trong nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, Việt Nam đặt mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người từ 2.750 USD hiện nay lên 5.000 USD

Việt Nam đặt mục tiêu thu nhập 5.000 USD/người vào năm 2025
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý rằng cú sốc do đại dịch COVID-19 gây ra cũng là một bài học để hoạch định chính sách ngắn hạn, dài hạn, lường định các khó khăn bất ngờ có thể xảy đến
Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 29-9, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và đoàn công tác của Quốc hội làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ 2021-2015.

2016-2020: tăng trưởng không đạt mục tiêu

Trình bày báo cáo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết đến năm 2020 quy mô GDP ước đạt khoảng 269 tỉ USD, tăng 1,4 lần so với năm 2015. GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015.

Trong giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức bình quân 6,8%. Năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dự báo GDP tăng khoảng 2%, toàn giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%, thuộc nhóm quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.

Qua đánh giá sơ bộ 18/21 chỉ tiêu, có 14 chỉ tiêu đạt, vượt và 4 chỉ tiêu chưa đạt (tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, tỉ lệ lao động qua đào tạo, tỉ lệ thất nghiệp đô thị).

Điểm sáng đáng chú ý là năng suất lao động cải thiện rõ nét, đến năm 2020 dự báo tăng gần 1,5 lần so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng cao, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước khoảng 45%, vượt mục tiêu đặt ra (30 - 35%).

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều mặt vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu tính bền vững. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách và bắt kịp các nước trong khu vực.

Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chưa thực sự dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có những bứt phá lớn...

5 năm tới đầu tư công hơn 2,7 triệu tỉ đồng

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, các mục tiêu cho giai đoạn tới khá tham vọng, theo đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

Bộ Kế hoạch và đầu tư xác định giai đoạn tới cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng, dự án kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án tạo sự lan tỏa lớn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền.

Cụ thể đến năm 2025, tập trung xây dựng và hoàn thành ngay một số trục giao thông chính như: toàn bộ đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành...

Các dự án năng lượng, đặc biệt dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải. Hạ tầng công nghệ thông tin; hạ tầng số; hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất... cũng thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư.

Đối với các đô thị lớn, tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM, đường vành đai, đường xuyên tâm, các công trình đầu mối về cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải...

Xây dựng và hình thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ thống trên toàn quốc, vừa là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa là hệ sinh thái hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và khoa học công nghệ.

Tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2,75 triệu tỉ đồng.

Nhìn lại công tác đầu tư công nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư thẳng thắn thừa nhận rằng chất lượng quy hoạch còn thấp, tính dự báo còn hạn chế, thiếu tính liên kết, đồng bộ gây lãng phí và kém hiệu quả đầu tư đặc biệt là các dự án hạ tầng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải nhận xét trong đầu tư công vẫn còn tư duy "xếp hàng", bố trí vốn dàn trải, thiếu vốn dẫn đến công trình chậm khánh thành, hiệu quả không cao.

Theo ông Hải, đầu tư vẫn thiếu đồng bộ, còn tình trạng có cầu mà thiếu đường kết nối, có đường điện cao thế nhưng thiếu đường điện hạ thế... lại có tình trạng có vốn nhưng không giải ngân được do triển khai chậm, vướng mắc thủ tục, vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Ông Hải tiết lộ qua làm việc với các bộ, ngành, địa phương về nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2015 thì đề xuất gấp đôi, gấp ba giai đoạn trước, "như vậy nhu cầu vượt rất xa khả năng cân đối vốn".

Cả Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải đều nhấn mạnh chủ trương đầu tư giai đoạn tới là triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, bội chi chỉ được chi cho đầu tư phát triển chứ không chi cho các việc khác.

Theo Lê Kiên (Tuổi Trẻ)




https://tuoitre.vn/viet-nam-dat-muc-tieu-thu-nhap-5000-usd-nguoi-vao-nam-2025-20200929161623221.htm