Kinh tế

Vì sao sống ở Hà Nội đắt hơn TP. HCM?

Theo Tổng cục Thống kê, trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với mức giá đắt đỏ nhất cả nước. Cách đây 2 năm, vị trí này từng thuộc về TP. HCM

Đứng sau Hà Nội là Thành phố Hồ Chí Minh với chỉ số giá sinh hoạt theo không gian SCOLI bằng 99,05%.

Một số nhóm hàng của Thành phố Hồ Chí Minh có mức giá bình quân cao hơn Hà Nội: 

Giáo dục bằng 105,43% chủ yếu do học phí ở các trường dân lập và dạy nghề cao hơn Hà Nội; may mặc, mũ nón, giày dép bằng 101,26%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng bằng 102,03%.

Vì sao sống ở Hà Nội đắt hơn TP. HCM?

Tuy nhiên, ngược lại, nhiều nhóm hàng tại TP. HCM lại có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội, đây chính là sự chênh lệch khiến chỉ số giá sinh hoạt của TP. HCM chỉ đứng thứ hai cả nước: 

Hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 98,21%; đồ uống, thuốc lá bằng 97,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 98,12%; thuốc và dịch vụ y tế bằng 97,43%; giao thông bằng 97,31%; bưu chính viễn thông bằng 96,23%; văn hóa, giải trí và du lịch bằng 97,63%; hàng hóa và dịch vụ khác 95,83%.

Cũng theo báo cáo, các tỉnh như Hậu Giang (đứng thứ 63), Sóc Trăng (đứng thứ 62), Trà Vinh (đứng thứ 61) có SCOLI thấp nhất cả nước.  Ngoài ra, một số địa phương khác cũng có chỉ số SCOLI năm 2020 thấp: Hà Nam - đứng thứ 60 (90,86%), Đồng Tháp - đứng thứ 59 (90,87%), Quảng Ngãi - đứng thứ 58 (90,89%), Vĩnh Long - đứng thứ 57 (90,93%), Gia Lai - đứng thứ 56 (90,97%), Hưng Yên - đứng thứ 55 (91,05%).

Nhìn chung, các tỉnh có mức giá thấp nhất trong cả nước phần lớn do giá các mặt hàng trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở thuê, thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông, bưu chính viễn thông; dịch vụ giáo dục; dịch vụ vui chơi, giải trí có mức giá thấp.Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) là một chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hoá và dịch vụ phục vụ cho đời sống hàng ngày của người dân giữa các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, giữa các vùng trong nước tại một thời điểm (tháng, quý hoặc năm). SCOLI được tính dựa trên cơ sở phương pháp luận của giá so sánh quốc tế với Nguồn số liệu của điều tra giá tiêu dùng.

Chỉ số này được dùng trong phân tích kết quả thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, trợ cấp khó khăn, trợ cấp tiền lương và nghiên cứu mức sống dân cư giữa các tỉnh, vùng, khu vực trong cả nước…

Đồng thời, chỉ số này còn là cơ sở để tính Chỉ số phát triển con người (HDI), tính Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là GRDP) theo sức mua tương tương, đánh giá mức sống tối thiểu và điều chỉnh mức lương vùng miền, tính toán các chi phí đầu tư, đánh giá tính cạnh tranh về giá, chế độ ăn, ở, công tác phí theo giá vùng miền. SCOLI được sử dụng để loại trừ yếu tố chênh lệch giá trong thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình giữa các vùng. Từ đó, tính ra thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình với cùng một mặt bằng giá để tính toán tỷ lệ nghèo.

Theo Thái Quỳnh (Nhịp Sống Kinh Tế)




http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/vi-sao-song-o-ha-noi-dat-hon-tp-hcm-420216481038461.htm