Kinh tế

Vì sao Kho bạc Nhà nước phải gửi 160.000 tỷ ở ngân hàng?

Giải ngân vốn đầu tư công quá chậm trễ nên ngân sách phải đi gửi dù lãi nhận về còn thấp hơn chi phí đi vay.

Giải ngân vốn đầu tư công quá chậm trễ nên ngân sách phải đi gửi dù lãi nhận về còn thấp hơn chi phí đi vay.

Nguyên nhân chính khiến Kho bạc Nhà nước "thừa" tiền phải đem đi gửi là sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công hiện nay. Tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng bắt đầu tăng mạnh từ tháng 5/2017, ở mức 143.000 tỷ đồng, tăng 50,2% so với đầu năm. Báo cáo mới đây nhất của Bộ Tài chính cho biết, sau 8 tháng, vốn đầu tư xây dựng cơ bản giải ngân được 43,8% dự toán. Vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đến nay chỉ đạt gần 2.500 tỷ đồng tỷ đồng, bằng 4,9% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 47,3% dự toán đã giao.

vi-sao-kho-bac-nha-nuoc-phai-gui-160000-ty-o-ngan-hang

Ngân sách huy động vào nhưng lại đang không thể giải ngân. Ảnh: Anh Quân.

Trao đổi với PV, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ (Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính) cũng nhìn nhận đây là hiện tượng mới xảy ra gần đây, chủ yếu vì ngân sách đang gặp vấn đề "bí" đầu ra. "Nhiệm vụ của Bộ Tài chính là phải huy động đủ tiền để có thể giải ngân, dùng vốn bất cứ lúc nào cần, còn việc sử dụng vốn lại phụ thuộc khá nhiều đơn vị và yếu tố khác", ông Độ nói.

Thực tế, cách đây hơn một tháng, Thủ tướng cũng phê bình 13 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, trong đó có Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... Thống kê đến giữa tháng 6, tổng số vốn thanh toán là 85.000 tỷ đồng, mới đạt 24% tổng kế hoạch năm 2017 và 28% kế hoạch vốn được Quốc hội phân bổ và Thủ tướng giao.

Theo ông Nguyễn Đức Độ, đây là một "hiệu ứng phụ" mà ngân sách không hề mong muốn. Ưu điểm của việc này là hệ thống ngân hàng có thêm lượng tiền gửi dồi dào, có thể lãi suất thấp bởi nhiều khoản tiền gửi của Kho bạc Nhà nước không thể gửi kỳ hạn dài do từ nay đến cuối năm chỉ còn vài ba tháng, bất cứ lúc nào cũng có thể cần đến.

"Nói chung lãi suất sẽ không thể cao hơn lãi đi vay và chi phí trả chênh lệch này ngân sách phải chịu", ông nói.

Một chuyên gia tài chính khác cũng đặt lo ngại về khoản chênh lệch lãi suất Kho bạc Nhà nước nhận được khi gửi ngân hàng có thể thấp hơn nhiều so với chi phí ngân sách huy động qua các kênh trước đó (phát hành trái phiếu Chính phủ...).

Việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công được cho là điểm nghẽn với tăng trưởng kinh tế và ngược lại còn khiến Chính phủ phải gánh lãi vay của dân. 

Tại một cuộc làm việc của Tổ công tác Thủ tướng mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng nói thẳng: “Tiền để trong két không tiêu được, trong khi chúng ta vẫn phải trả lãi, đó là lãng phí”. Một trong những nguyên nhân giải ngân chậm theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chính từ lãnh đạo các bộ ngành, địa phương để tồn tại nhiều vấn đề thủ tục, chỉ đạo không quyết liệt, năng lực đơn vị thi công…

Theo Thanh Thanh Lan (VnExpress.net)