Kinh tế

Vì sao 7 đơn vị đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép?

Mới đây trên trang http://minhbach.moit.gov.vn đã công bố thông tin danh sách các doanh nghiệp (DN) bị tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) xăng dầu do thiếu các điều kiện trong kinh doanh xăng dầu.

Không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định

Theo đó, danh sách các DN bị tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh XK, NK xăng dầu được cập nhật trên trang http://minhbach.moit.gov.vn cụ thể như sau: Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hưng Phát (Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh XK, NK xăng dầu 2 tháng kể từ ngày 26/7/2022); Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh (Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh XK, NK xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 18/7/2022); Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh XK,NK xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 13/7/2022); Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh XK, NK xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 28/7/2022); Công ty cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm (Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh XK, NK xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 19/7/2022); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh (Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh XK, NK xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 7/7/2022); Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro (Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh XK, NK xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 12/7/2022).

02b128065d6b32bf5cf06baff49acc10.jpeg -0
Cần minh bạch, lành mạnh thị trường xăng dầu.

Theo Bộ Công Thương, căn cứ hồ sơ, tài liệu mà các đối tượng thanh tra; hồ sơ, tài liệu của các đơn vị, cơ quan nhà nước có liên quan đến hoạt đông kinh doanh xăng dầu cung cấp, qua quá trình thanh tra, các Trưởng đoàn thanh tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với các đối tượng thanh tra và thực hiện chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt, bao gồm các hành vi vi phạm chủ yếu như: Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định; không duy trì mức dự trữ xăng dầu bắt buộc hoặc duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định; NK xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân giao hằng năm; gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối; ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân không đủ điều kiện làm đại lý xăng dầu theo quy định...

Đối với các trường hợp vi phạm, bên cạnh hình thức xử phạt chính (phạt tiền) còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 1,5 - 2 tháng) và biện pháp khắc phục hậu quả (buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính) căn cứ theo quy định của pháp luật.

Minh bạch thị trường

Theo ý kiến từ các chuyên gia, khi DN đã bị tước giấy phép thì cần phải rà soát lại một cách kỹ lưỡng, thận trọng xem có đủ điều kiện hay không, nếu không đủ điều kiện thì dứt khoát phải thu hồi, để làm trong sạch, lành mạnh thị trường. Ngoài ra, việc hậu kiểm cần phải được triển khai quyết liệt và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc 7 DN bị tước giấy phép thể hiện sự quyết liệt của Bộ Công Thương trong hoạt động quản lý kinh doanh xăng dầu. Điều này sẽ giúp tạo tiền đề tốt và gây sức ép, buộc các DN phải thực hiện nghiêm, thực hiện có hiệu quả hơn chủ trương, chính sách của nhà nước xung quanh vấn đề kiểm soát lạm phát nói chung và giá xăng dầu nói riêng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, Bộ Công Thương rất nỗ lực để lành mạnh thị trường xăng dầu, qua đó không chỉ khuyến khích các DN xăng dầu trong nước kinh doanh một cách nghiêm túc mà còn giúp cho thị trường xăng dầu ngày càng lành mạnh, minh bạch hơn. Theo đó, những DN không đủ điều kiện sẽ bị "loại" khỏi thị trường, còn DN làm ăn nghiêm túc sẽ tiếp tục được hoạt động.

Để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa hoạt động kinh doanh xăng dầu của các DN, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, xăng dầu là một loại hàng hóa có quy mô và mức độ ảnh hưởng rộng tới hầu hết các loại hàng hóa và đời sống người dân, nên kiểm soát chặt chẽ thị trường này cũng tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển. Theo đó, để quản lý chặt thị trường xăng dầu, bên cạnh thường xuyên lập các đoàn kiểm tra đối với các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cũng cần số hóa hoạt động kinh doanh xăng dầu.

PGS, TS Ngô Trí Long cũng đánh giá cao sự minh bạch trong việc công khai thông tin xăng dầu của Bộ Công Thương. Điều này sẽ giúp các DN nắm bắt được thông tin kịp thời, người dân cũng theo dõi được diễn biến giá xăng, thông tin thị trường. Theo PGS, TS Ngô Trí Long, hiện nay cả nước có đến 38 DN đầu mối xăng dầu. 7 DN vi phạm không phải là các DN lớn, nên việc thiếu nguồn cung là không hề thuyết phục. Theo nguyên tắc kinh doanh, không một DN nào chỉ sử dụng một nguồn cung, họ sẽ có nhiều nguồn cung khác để đảm bảo lợi nhuận tốt nhất trong kinh doanh.

Theo Lưu Hiện (CAND Online)




https://cand.com.vn/doanh-nghiep/vi-sao-7-don-vi-dau-moi-xang-dau-bi-tuoc-giay-phep--i663938/