Kinh tế

Ví điện tử đồng loạt giục người dùng gửi ảnh chứng minh thư

Các ví điện tử liên tục yêu cầu người dùng cập nhật ảnh chứng minh nhân dân và chụp chân dung nếu muốn sử dụng tiếp.

Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh Người tiêu dùng muốn tăng thanh toán không tiền mặt Hơn nửa người Việt mua sắm online vào năm 2025

Trong tháng 5/2020, nhiều người dùng ví điện tử liên tục nhận được các thông báo nhắc nhở hoàn tất xác thực tài khoản để có thể tiếp tục giao dịch. "Trước đây, tôi đã liên kết ví với tài khoản ngân hàng dùng để gọi xe nhưng giờ lại được yêu cầu chụp hình chứng minh nhân dân xác thực", anh Minh Phạm, người dùng Moca trên ứng dụng Grab cho biết còn phải chụp một tấm ảnh chân dung để hoàn tất.

Tương tự, nhiều người dùng các ví điện tử chưa từng xác thực thông tin bằng chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu cũng liên tục nhận được thông báo hối thúc hoàn tất thao tác khi mở ứng dụng ví hay muốn tiến hành giao dịch.

Ví điện tử đồng loạt giục người dùng gửi ảnh chứng minh thư
Một tài khoản Moca trên Grab của người dùng được nhắc nhở cần xác thực. Ảnh: Viễn Thông

Theo đại diện các ví điện tử, việc đồng loạt nhắc nhở người dùng xác thực tài khoản trong tháng này là do thời hạn phải xác thực hồ sơ người dùng đã gần kề. Cụ thể, Thông tư 23 thay thế Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước quy định, tất cả các ví điện tử phải xác thực hồ sơ người dùng trước ngày 7/7.

Việc xác thực thông tin nhằm bảo mật tài chính và xây dựng một nền tảng thanh toán giảm thiểu gian lận, trộm cắp danh tính, hoạt động rửa tiền và các hành động phạm pháp khác.

"Chúng tôi đánh giá quy định này phù hợp với thông lệ chung của thế giới. Việc xác thực thông tin giúp bảo vệ quyền lợi của người dùng cũng như phục vụ công tác phòng chống tội phạm", ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch, Đồng sáng lập ví Momo, cho biết.

Do vậy, ngay từ đầu tháng, nhiều ví điện tử đã đốc thúc người dùng cung cấp thông tin gồm: ảnh chụp mặt trước và sau số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu còn thời hạn; họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; địa chỉ email. Ngoài ra, ví điện tử của người dùng cần phải được liên kết với tài khoản ngân hàng.

Moca cho biết từ nay đến 7/7, người dùng vẫn có thể sử dụng ví dù chưa hoàn tất xác thực tài khoản. Tuy nhiên, sau thời điểm đó, việc xác thực là bắt buộc nếu muốn sử dụng. "Bạn chỉ mất tối đa 3 phút cho toàn bộ quá trình xác thực (thậm chí nhanh hơn nếu bạn đã kích hoạt và sử dụng ví trước đó)", Moca cho biết.

Tương tự, hồi đầu tháng, VinID cũng thông báo tất cả người dùng ví điện tử bắt buộc phải xác thực tài khoản và liên kết với tài khoản ngân hàng. Trong vòng 6 tháng, các tài khoản ví đăng ký trước Thông tư 23 được ban hành thì cần nhanh chóng xác thực tài khoản.

Ví này cho hay, kết quả xác thực sẽ được cập nhật cho khách hàng ngay sau khi họ  tải giấy tờ tùy thân thành công. Trong một số trường hợp, thời gian có thể lâu hơn, trong vòng 24 giờ.

Chị Kim Thoa, một người dùng Momo cũng đắn đo khi nhận yêu cầu xác thực tài khoản vào tuần trước. "Việc chụp hình chứng minh nhân dân để tải lên các ứng dụng di động làm tôi thấy ngại", chị cho biết.

Về tâm lý này, các ví điện tử lớn trên thị trường cho biết họ đã đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo mật.

Ví dụ, Moca, MoMo hay ZaloPay đều đã đạt chứng nhận bảo mật quốc tế PCI DSS. Các ví còn ứng dụng công nghệ bảo mật mới như xác thực hai lớp; xác thực bằng vân tay hay nhận diện khuôn mặt; tự động khóa ứng dụng khi quá thời hạn sử dụng; bảo vệ đường truyền chuẩn SSL/TLS hay tính năng mã hóa số thẻ quốc tế (Tokenization).

"Tất cả thông tin người dùng cung cấp chỉ sử dụng cho mục đích duy nhất là xác minh tính chính danh của tài khoản. Chúng tôi không cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng cho bất kỳ bên thứ ba nào", ông Diệp khẳng định toàn bộ quy trình xác thực trên Momo chỉ mất một phút.

Chia sẻ tại sự kiện "Ngày thanh toán không tiền mặt 2020" chiều 26/5, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cũng nói rằng, thanh toán qua di động đang bùng nổ đặt ra yêu cầu cao hơn về bảo mật tài khoản. Trong đó, việc định danh khách hàng là hoạt động bắt buộc.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động và 34 tổ chức không phải ngân hàng được cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Tăng trưởng số lượng và giá trị giao dịch thanh toán điện tử năm ngoái qua kênh mobile banking lần lượt là 198% và 210%. Không ấn tượng bằng mobile banking nhưng các kênh Ineternet banking và ví điện tử cũng đều tăng khoảng 37-86% so với cùng kỳ.

Vụ Thanh toán cho biết, Mobile Money sắp được Thủ tướng thông qua nên vệc định danh, xác thực tài khoản khách hàng sẽ càng quan trọng hơn. Mobile Money cơ bản là một tài khoản mà người dùng mở tại công ty viễn thông và có thể thực hiện nạp, rút tiền tại các cơ sở của đơn vị viễn thông. Tuy nhiên, tương tự ví điện tử, người dùng phải khai đầy đủ thông tin cá nhân mới có thể dùng dịch vụ này.

Theo Viễn Thông (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/vi-dien-tu-dong-loat-giuc-nguoi-dung-gui-anh-chung-minh-thu-4105988.html