Kinh tế

Vay vàng mua nhà, mua xe, con nợ 'sấp mặt' vì giá vàng tăng phi mã

Nhiều người vay nợ bằng vàng đang rơi vào cảnh khóc dở mếu dở khi đến kỳ hạn trả nợ mà giá vàng tăng vù vù.

Ghi nhận trên VTC, chị Trần Thị Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, năm 2019, hai vợ chồng chị mua một căn hộ chung cư gần 3 tỷ đồng ở quận Cầu Giấy. Chị đã cân nhắc giữa chuyện vay tiền mặt từ ngân hàng hay vay vàng từ người thân. Nhưng ngại làm thủ tục để vay ngân hàng, ngại tính toán các khoản trả lãi hàng tháng, hàng quý, lại thấy giá vàng nhiều năm ít biến động nên chị quyết định mượn 10 lượng vàng ở thời điểm giá đang xoay quanh mức 37,2 triệu đồng/lượng. Thời hạn vay là 2 năm.

Đến nay, chỉ còn 2 tuần nữa là đến hạn trả nợ, nhưng giá vàng hiện tăng gần gấp đôi so với thời điểm chị vay khiến vợ chồng chị Thủy mất ăn mất ngủ. Số vàng chị vay trong năm 2019 quy đổi ra tiền là 372 triệu đồng, nhưng nếu phải trả theo giá vàng hiện nay sẽ là 598 - 600 triệu đồng, tức chị Thủy phải trả thêm hơn 200 triệu đồng.

Vay vàng mua nhà, mua xe, con nợ 'sấp mặt' vì giá vàng tăng phi mã
Giá vàng tăng cao, nhiều người vay bằng vàng méo mặt.

“Vay vàng từ đầu năm thì đến cuối năm 2019, giá bắt đầu tăng lên mức 39 triệu đồng/lượng, thậm chí có lúc vượt 42 triệu đồng, do chịu tác động của giá thế giới. Tôi thấy đã lỗ nặng rồi nhưng vẫn cố gắng chờ vàng giảm, hy vọng thị trường sẽ sớm bình ổn vì nghĩ có tăng thì có giảm. Nhưng càng chờ thì giá lại càng tăng, vàng càng đắt đỏ. Đã có lúc sốt ruột quá, tôi định mua vào để găm hàng, chờ bán khi giá lên cao nhưng lại sợ giá sẽ quay đầu giảm mạnh, lỗ lại chồng lỗ, thành ra liên tục rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan”, chị Thủy than vãn.

Giống như chị Thuỷ, anh Nguyễn Văn Thành (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đang méo mặt vì giá vàng tăng cao, trong khi khoản nợ ngày thêm nặng hơn.

Cuối năm 2019, anh Thành vay 8 lượng vàng của bác ruột. Thời điểm anh vay là tháng 10/2019, giá vàng ở ngưỡng 40 triệu đồng/lượng, tương đương 320 triệu đồng.

“Từ sau khi tôi vay, giá liên tục tăng mạnh và đạt đỉnh. Năm 2020, tôi đã gom góp được gần 300 triệu đồng, nhưng chưa dám mua vàng vì giá cao, muốn chờ sang năm nay, xem giá có giảm không mới mua. Ai ngờ, giá ngày tăng sốc. Tôi chưa biết phải trả nợ thế nào, Bây giờ trả nợ là tôi trắng tay, bao nhiêu vốn liếng tích trữ đều đổ vào trả nợ hết”, anh Thành tâm sự.

Anh Thành nhẩm tính, 8 cây vàng lúc vay bán được 320 triệu đồng, nhưng giờ mua vàng để bán cũng mất tầm 480 triệu đồng, tính ra chênh 160 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn với vợ chồng anh.

Mấy ngày giá vàng biến động tăng liên tục là những ngày không ngủ được của chị Ma Thùy Hoa (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vì trót lỡ vay vàng lúc giá thấp.

Chị Hoa cho biết chị vay 15 lượng vàng SJC lúc giá 43 triệu đồng/lượng thì giờ đây lên tới gần 60 triệu đồng/lượng.

“Tính đến nay số tiền chênh lệch tôi phải trả lên tới 255 triệu đồng. Tiền lãi như thế này không khác gì vay tín dụng đen”, chị Hoa buồn rầu chia sẻ.

Vay vàng mua nhà, mua xe, con nợ 'sấp mặt' vì giá vàng tăng phi mã - 1

Chia sẻ trên Dân Trí, vợ chồng chị M.H (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa mua 3 cây vàng trả nợ bố mẹ. Chị H. cho biết năm 2018, khi vợ chồng chị vay vàng của bố mẹ chị để mua xe thì giá vàng là gần 37 triệu đồng/lượng. "Ông bà cho vay cũng chẳng tính lãi, cũng chẳng bảo chúng tôi khi nào cần trả nhưng tôi đã hứa là khi con trai tròn 5 tuổi sẽ trả lại", chị kể.

Chị H. cho biết, ngày 15/11/2021, cũng ngày con trai chị tròn 5 tuổi, vợ chồng chị đã đi mua vàng trả ông bà. Theo niêm yết tại cửa hàng, giá vàng SJC ở mức 60,1 - 60,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Không vay vàng để mua nhà hay mua xe, bà V.T (Thái Bình) lại mua vàng để chơi phường lấy vốn sản xuất, kinh doanh. Nhóm phường vàng của bà có 6 người với quy định nộp vàng, trả vàng, không quy đổi ra tiền mặt. Thế nên, giá vàng dù có lên cao hay xuống thấp, người trong phường vẫn phải chấp nhận.

"Tôi đã lấy vàng vào quý I năm nay, nghĩa là đến quý III năm sau tôi mới đến kỳ lấy tiếp. Hồi tháng 3, sau khi nhận được tiền, tôi đã đi mua ngay mấy đàn gà về nuôi để bán Tết. Tôi nhớ không nhầm, giá một cây vàng bán ra khi đó mới có 55,45 triệu đồng còn bây giờ, mua vào đã là 59,4 triệu", bà chia sẻ. Theo bà T., còn 20 ngày nữa là đến kỳ bà phải đóng phường, nhìn thấy giá vàng "tăng vù vù", bà thấy choáng váng. Tuy nhiên, đây là thỏa thuận từ trước nên vẫn cần thực hiện.

Thời gian qua, giá vàng trong nước có những phiên tăng rất mạnh rồi mới hạ nhiệt dần. Giá vàng SJC đạt đỉnh hơn 62 triệu đồng/lượng chiều bán ra vào ngày 17/11 sau đó giảm dần.

Đến chiều qua (24/11), giá vàng SJC được niêm yết ở 59,4 - 60,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Nếu so sánh với ngày 1/11 khi giá vàng ở mốc 57,6 - 58,32 (mua vào - bán ra) thì kim loại này đã tăng 1,8 triệu đồng ở cả 2 chiều mua và bán. Còn từ đầu năm, giá vàng đã tăng 3,85 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 4 triệu đồng ở chiều bán ra khi giá vàng ngày 1/11 niêm yết ở 55,55 - 56,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Chọn ngày 24/11 làm mốc so sánh, giá vàng SJC qua các năm 2018, 2019, 2020, 2021 sẽ lần lượt là: 36,38 - 36,56 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); 41,28 - 41,54 (mua vào - bán ra); 55 - 55,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); 59,4 - 60,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Như vậy giả sử, những người vay vàng từ tháng 11/2018 để đầu tư thì đến nay đang lỗ nặng.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/vay-vang-mua-nha-mua-xe-con-no-sap-mat-vi-gia-vang-tang-phi-ma-tintuc798319