Kinh tế

Uber rút lui, Cục thuế TP.HCM có đòi được 53 tỉ?

Cục thuế TP.HCM kiên quyết truy thu thuế 66,68 tỉ đồng, nhưng Uber đã hai lần kiện cơ quan này ra tòa. Từ 8-4, Uber rút khỏi thị trường, vậy khoản 53,3 tỉ đồng còn lại có đòi được?

Uber rút lui, Cục thuế TP.HCM có đòi được 53 tỉ?
Liệu cơ quan thuế có truy thu được 53,3 tỉ đồng khi Uber đã chính thức rút khỏi VN - Ảnh: NAM TRẦN

Gần ba tháng sau khi Công ty TNHH Uber B.V kiện Cục Thuế TP ra tòa lần 2, đến nay vẫn chưa có thông tin xét xử vụ kiện này. Trong khi đó, diễn biến mới nhất là Cục Thuế TP.HCM vừa có văn bản có ý kiến với Đơn khởi kiện của Công ty TNHH Uber B.V.

Thuế khẳng định truy thu đúng

Tại văn bản này, Cục Thuế TP.HCM đã trình bày rất chi tiết liên quan đến hoạt động của Uber B.V.

Cụ thể, Cục Thuế TP.HCM cho biết theo Quyết định số 24 của Bộ Giao Thông - Vận tải về cho phép thí điểm triển khai ứng dụng kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, chỉ có những doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải mới được tham gia đề án.

Tuy nhiên, Uber B.V đã làm trái quy định khi cho các cá nhân không thông qua các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải mà trực tiếp giao kết hợp đồng với Uber B.V để tiến hành hoạt động vận tải.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh của Uber B.V tại VN, Cục Thuế TP cho biết từ năm 2014 đến tháng 9-2016 Uber B.V có phát sinh hoạt động kinh doanh tại VN nhưng không thực hiện kê khai nộp thuế.

Tháng 9-2016 Uber B.V mới đăng ký mã số thuế, và từ tháng 10-2016 Uber B.V mới ủy quyền cho Công ty TNHH Uber VN nộp thay tờ khai thuế nhà thầu và khấu trừ nộp thay thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân cho các đối tác là cá nhân lái xe.

Sau đó tháng 7-2017 Cục Thuế TP đã ra quyết định thanh tra thuế Uber B.V. Qua thanh tra Cục Thuế đã truy thu thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân, phạt tiền về hành vi khai sai, phạt chậm nộp tổng cộng khoảng 66,68 tỉ đồng với Uber B.V.

Uber rút lui, Cục thuế TP.HCM có đòi được 53 tỉ? - 1

Căn cứ pháp lý để truy thu, theo Cục thuế là Thông tư 111 và Thông tư 92 của Bộ Tài chính.

"Căn cứ các quy định trên, Uber B.V phải có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thay cho các cá nhân lái xe theo tỉ lệ quy định, không phụ thuộc vào việc họ đã có ủy quyền cho Uber B.V kê khai, nộp thuế thay hay chưa", Cục Thuế TP.HCM khẳng định.

Cũng theo cơ quan này, việc thanh toán tiền cho các lái xe thực hiện trực tiếp từ tài khoản của Uber B.V mở tại ngân hàng nước ngoài. Do đó quy định Uber B.V có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay thuế trước khi chi trả thu nhập cho các lái xe là phù hợp.

Việc Cục Thuế ban hành quyết định xử lý truy thu thuế vì Uber B.V không khấu trừ thuế với các lái xe từ năm 2014 đến tháng 9-2016 cũng đúng theo quy định.

Tuy nhiên theo đơn khởi kiện Cục Thuế TP, Uber B.V lại cho rằng, theo thỏa thuận dịch vụ ký với các lái xe, Uber B.V chỉ cung cấp dịch vụ thông qua ứng dụng điện thoại cho các lái xe để kết nối giữa lái xe và khách hàng.

Các lái xe trực tiếp kinh doanh vận tải còn Uber không kinh doanh vận tải mà chỉ thu hộ tiền vận chuyển, sau đó giữ lại phần của mình được hưởng trước khi chuyển lại cho các đối tác lái xe.

"Uber B.V không đơn thuần cung cấp dịch vụ công nghệ mà trực tiếp điều hành, tiến hành toàn bộ hoạt động kinh doanh vận tải như trực tiếp phân công, bố trí lái xe, tự quyết định giá cả từng thời điểm, quyết định toàn bộ chính sách giảm giá cước vận chuyển, các chương trình khuyến mãi, nhận tiền thanh toán của khách hàng sau đó định kỳ hàng tuần mới thanh toán lại tiền cho các đối tác.

Do đó, theo Cục Thuế, quy định Uber B.V phải có trách nhiệm khấu trừ tại nguồn trước khi thanh toán cho các lái xe là phù hợp", Cục Thuế TP.HCM khẳng định.

Uber rút lui, Cục thuế TP.HCM có đòi được 53 tỉ? - 2
Uber B.V đã chính thức rút khỏi VN từ ngày 9-4 - Ảnh: Grab VN

Có dễ truy thu 53,3 tỉ đồng?

Đến nay Uber B.V đã kiện Cục Thuế TP ra tòa hai lần. Lần đầu tiên vào cuối tháng 12-2017 khi Cục Thuế TP.HCM gửi văn bản yêu cầu 5 ngân hàng thương mại cổ phần lớn là VCB, Eximbank, Sacombank, ACB và Vietinbank thực hiện cưỡng chế tài khoản Uber B.V trong 10 ngày, từ 1-1-2018 đến 10-1-2018.

Khi đó, Tòa án đã ra quyết định khẩn cấp tạm thời buộc Cục Thuế TP.HCM dừng truy thu thuế với Uber B.V. Tuy nhiên sau đó Tòa lại cho rằng Uber B.V chưa đủ tư cách pháp lý do vậy đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính.

Sau đó vào tháng 3-2018 Uber B.V lại kiện Cục Thuế TP ra tòa lần 2.

Trong số 66,68 tỉ đồng thuế bị truy thu, Uber B.V đã nộp 13 tỉ đồng và hiện còn lại 53,3 tỉ đồng.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, Uber B.V đang "cầm đằng cán" trong việc né bị truy thu 53,3 tỉ đồng vì ngày 8-4 vừa qua Uber B.V đã chính thức rút khỏi Việt Nam sau khi bán lại thị phần cho Grab. Uber B.V cũng không có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam.

Trong khi đó Grab - đơn vị mua lại thị phần của Uber - tuyên bố sẽ không trả nợ thuế thay cho Uber B.V. Lý do là vì Uber B.V đã cam kết tự giải quyết vấn đề liên quan đến nợ thuế tại VN.

Ngoài ra, Grab không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại Việt Nam. Do vậy Uber phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý giải quyết các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế.

Theo A.Hồng (Tuổi Trẻ)