Kinh tế

Tỷ phú Vượng, ông chủ TGDĐ vẫn là người thu nhiều tiền nhất

Trong khi nhiều doanh nghiệp ghi nhận khoản lãi kỷ lục thì không ít đại gia vẫn đang vật lộn với khó khăn.

Là đại gia giàu có nhất Việt Nam với khối tài sản ròng lên tới 7 tỷ USD (cập nhật từ Forbes), ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC), cũng là người gặt hái nhiều thành công nhất trong nửa đầu năm vừa qua.

"Thắng lớn" vẫn là tỷ phú Vượng, ông chủ Thế Giới Di Động

Liên tiếp với các hoạt động kinh doanh mở rộng sang lĩnh vực mới như sản xuất ôtô, điện thoại và dược phẩm, ông chủ Vingroup gia tăng khối tài sản ròng của mình thêm 2,7 tỷ USD trong nửa năm qua. Ngoài ra, hệ sinh thái doanh nghiệp của vị tỷ phú này cũng ghi nhận kết quả lợi nhuận ấn tượng.

Tỷ phú Vượng, ông chủ TGDĐ vẫn là người thu nhiều tiền nhất

Sau khi chào sàn chứng khoán vào tháng 5, Vinhomes (VHM) đã trở thành doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận cao nhất nửa năm, đạt 9.854 tỷ đồng trước thuế, gấp 10 lần cùng kỳ, vượt qua cả những ông lớn như Vinamilk, Sabeco, Vietcombank… Trong khi đó, doanh nghiệp vận hành hệ thống trung tâm thương mại là Vincom Retail (VRE) nửa năm qua cũng mang về 1.474 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 35% so với cùng kỳ.

Khoản lợi nhuận lớn tới từ các công ty con đã giúp kết quả kinh doanh hợp nhất của Vingroup tăng trưởng rất mạnh, đạt 61.200 tỷ doanh thu thuần, tăng 74% và lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi đạt 6.230 tỷ.

Một đại gia cũng hưởng niềm vui  lớn sau nửa năm qua là ông chủ Thế Giới Di Động (MWG). Mỗi ngày tập đoàn của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài thu về tới 11 tỷ đồng tiền lời từ hoạt động kinh doanh.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu tăng tới 43%, đạt 44.570 tỷ và thu về khoản lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.011 tỷ, tăng 48%. Phần lớn doanh thu lớn đến từ chuỗi Điện Máy Xanh (bao gồm Trần Anh) với 56%.

Tỷ phú Vượng, ông chủ TGDĐ vẫn là người thu nhiều tiền nhất - 1

Với "vua cá tra" Dương Ngọc Minh, sau nhiều quý thua lỗ liên tiếp, thủy sản Hùng Vương đã có lãi gần 14 tỷ đồng, riêng lãi ròng cổ đông công ty mẹ thu về 30 tỷ, mức xấp xỉ so với quý tài chính cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tính đến hết 30/6, công ty vẫn còn lỗ lũy kế hơn 347 tỷ đồng.

Trong khi báo cáo công ty tiết lộ hoạt động chăn nuôi heo đã không còn ghi nhận doanh thu thì “con cưng” Việt Thắng (VTF) vẫn ghi nhận trên danh mục sở hữu của “vua cá tra”.

Trước đó, ông Dương Ngọc Minh tiết lộ sẽ sang nhượng lại mảng chăn nuôi heo với giá cao khi hoạt động ổn định, dự kiến cao hơn 1,5 lần giá trị sổ sách. Đại gia này cũng đã bán 24% vốn tại Việt Thắng cho VinEco (thuộc Vingroup), đi kèm điều khoản VinEco sẽ được phép nhận chuyển nhượng thêm tối đa 36%, để nâng sở hữu lên tối đa 60% mà không chào mua công khai.

Nỗi buồn “vua gỗ” Trường Thành và 2 đại gia phố núi

“Vua gỗ” Trường Thành (TTF) sau 4 quý có lãi liên tiếp thì công ty lại chìm vào khoản thua lỗ hàng trăm tỷ, do kinh doanh dưới giá vốn và phải trích lập dự phòng với các khoản phải thu. 6 tháng, Trường Thành chỉ thu về 326 tỷ doanh thu thuần, giảm 36% và lỗ ròng tới 568 tỷ, nâng tổng lỗ lũy kế lên 1.927 tỷ đồng.

Tỷ phú Vượng, ông chủ TGDĐ vẫn là người thu nhiều tiền nhất - 2

Trong quý II vừa qua, doanh thu thuần công ty gỗ này cũng giảm tới 59% chỉ đạt 124 tỷ đồng. Khoản lỗ quý II cũng là khoản lỗ ròng lớn thứ 2 trong lịch sử kinh doanh sau quý II/2016.

Cũng đang chật vật với cơ cấu nợ vay và định hướng kinh doanh, hai đại gia phố núi Hoàng Anh Gia Lai và Quốc Cường Gia Lai trải qua nửa đầu năm 2018 không thuận lợi.

Tỷ phú Vượng, ông chủ TGDĐ vẫn là người thu nhiều tiền nhất - 3
Hoạt động kinh doanh đã phần nào ổn định trở lại nhưng công ty bầu Đức vẫn lỗ ròng 11 tỷ đồng sau 6 tháng. Ảnh: Đ.N.

Ghi nhận thêm tới 449 tỷ đồng từ bán ớt, công ty của bầu Đức vẫn lỗ 11 tỷ đồng nửa năm qua.

Với Quốc Cường Gia Lai, không có dự án nào được bàn giao trong quý II khiến công ty nhà Cường đôla chỉ thu về 2,5 tỷ đồng từ bất động sản.

Cũng không còn doanh thu tài chính đột biến từ việc chuyển nhượng vốn tại các dự án, công ty của Cường đôla chỉ thu về 22 tỷ đồng từ hoạt động này, giảm hơn 9 lần cùng kỳ. Kết quả, Quốc Cường Gia Lai chỉ đạt 437 tỷ doanh thu thuần sau 6 tháng, và 54 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 81% so với cùng kỳ.

Nhiều đại gia bất động sản khác trong nửa năm qua cũng gặp khó khăn như Kinh Bắc (KBC) của ông Đặng Thành Tâm với doanh thu tăng hơn gấp đôi năm ngoái nhờ chuyển nhượng dự án, nhưng lãi ròng lại giảm 30%.

Tập đoàn FLC của đại gia Trịnh Văn Quyết cũng ghi nhận doanh thu thuần tăng 110% nhờ mảng bất động sản tăng mạnh, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 12%, đạt 125 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm, ông Quyết cũng là đại gia mất nhiều tiền nhất. Đà giảm giá của cổ phiếu FLC và ROS đã khiến vị này mất hơn 2/3 tài sản trên sàn chứng khoán, tương đương gần 41.000 tỷ đồng, chỉ còn sở hữu hơn 17.000 tỷ đồng.

Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)