Kinh tế

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia tách doanh nghiệp 2,6 tỷ USD

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp đồ sồ và đa ngành. Đây có thể là bước đi tiếp theo trong chiến lược chuyển đổi kinh doanh với trọng tâm là công nghệ, công nghiệp và dịch vụ.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Hội đồng quản trị Vingroup (VIC) vừa ra quyết định tái cấu trúc nội bộ: thực hiện chia tách doanh nghiệp đối với công ty con là CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (SDI).

Theo quyết định mới, Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng chuyển một phần cổ phần của các cổ đông hiện hữu cùng tài sản, quyền và nghĩa vụ tương ứng để thành lập 1 công ty con có tên là CTCP Kinh doanh Thương mại Sado có vốn điều lệ gần 500 tỷ đồng.

Sau chia tách, vốn điều lệ của Sài Đồng giảm từ gần 1.200 nghìn tỷ đồng xuống còn 700 tỷ đồng và Vingroup sở hữu 98% cổ phần của cả 2 công ty trên.

Sài Đồng hiện là cổ đông lớn nhất nắm giữ 33% cổ phần của Vincom Retail (VRE), đơn vị quản lý hệ thống mặt bằng bán lẻ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Vincom Retail hiện có vốn hóa hơn 60 nghìn tỷ đồng, khoảng 2,6 tỷ USD.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia tách doanh nghiệp 2,6 tỷ USD
Tỷ phú Vượng lập Sado, tách từ SDI.

Nhiều khả năng, tỷ phú Vượng lập Sado để tách khoản đầu tư vào Vincom Retail ra khỏi Sài Đồng giống như một số thương vụ tái cấu trúc nội bộ trước đây. Mảng bán lẻ tiếp tục được tách ra khỏi bất động sản.

Như vậy, đây là lần tái cấu trúc thứ 2 liên quan tới Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng trong vòng chưa tới 1 năm.

Trước đó, trong quý IV/2019, CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (SDI) đã thực hiện hoán đổi cổ phiếu với Tập đoàn Vingroup. Vingroup phát hành thêm 13,86 triệu cổ phiếu VIC để hoán đổi 12,6 triệu cổ phần của SDI thuộc sở hữu của các cổ đông nhỏ lẻ. Quyết định khiến nhóm cổ đông này được hưởng lợi khoảng 80 tỷ đồng.

Trước khi phát hành để hoán đổi cổ phiếu, Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng đã bán 5,4 triệu cổ phiếu SDI vào cho tổ chức khác vào ngày 26/8/2019 để giảm tỷ lệ sở hữu từ 94% xuống 89,5%.

CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng cũng được chuyển đổi từ CTCP sang công ty TNHH một thành viên. Ngay sau khi chốt danh sách để hoán đổi, cổ phiếu SDI bị hủy đăng ký giao dịch trên UPCOM và hủy lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Đô thị Sài Đồng được thành lập năm 2009, là chủ đầu tư dự án Vinhomes Riverside (quận Long Biên, Hà Nội). Đây là một khu đô thị hiện đại hàng đầu tại Việt Nam. 

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia tách doanh nghiệp 2,6 tỷ USD - 1
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp.

Trong thời gian gần đây, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng liên tục tái cấu trúc sau khi đưa ra bản chiến lược hồi tháng 8/2018 với mục tiêu đến năm 2028 sẽ trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính, thay vì phần lớn chỉ tập trung vào dịch vụ và bất động sản như trước đó.

Hồi cuối 2019, Vingroup đã chuyển nhượng VinCommerce (cùng VinEco thông qua đơn vị chủ quản chung là VCM) cho Masan của tỷ Nguyễn Đăng Quang. 

Hồi giữa năm 2019, Vinpearl của tỷ phú Vượng đã dịch chuyển dần từ bán bất động sản sang dịch vụ khách sạn, vui chơi giải trí, nhận chuyển nhượng mảng y tế Vinmec từ Vingroup.

Vingroup và các doanh nghiệp con của ông Phạm Nhật Vượng cũng đẩy mạnh mở rộng quy mô và lĩnh vực hoạt động theo cấp số nhân, bên cạnh nguồn vốn từ phát hành trái phiếu và từ cỗ máy in tiền Vinhomes, 1 doanh nghiệp chuyên về bất động sản của Vingroup.

Trong năm 2018, Vingroup và các đơn vị thành viên đã huy động 4,2 tỷ USD từ các tổ chức quốc tế, còn nếu tính từ 2013 tới tháng 10/2019 thì con số vốn ngoại đã lên tới 7,6 tỷ USD. Vốn huy động gần đây đổ mạnh vào VinFast (sản xuất ô tô) và Vinhomes. Khoản tiền lớn gần đây chính là gần 1 tỷ USD từ SK Group, hay thương vụ 500 triệu USD của Quỹ GIC của Chính phủ Singapore rót vào công ty mẹ của Vinmart.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 24/8, chỉ số VN-Index tăng điểm khá mạnh và lên trên ngưỡng 860 điểm.

Theo MBS, thị trường có khả năng bứt phá khỏi vùng tích lũy đã kéo dài trong 2 tuần vừa qua, tuy vậy mức dao động có thể trong biên độ hẹp. Về kỹ thuật, với phiên tăng hôm thứ Sáu VN-Index vừa đủ vượt lên trên đường xu hướng giảm nối các đỉnh tháng 6 và tháng 7 vừa qua, nhưng vẫn chưa vượt được mức đỉnh 860 của tuần trước nữa. Với sự gia tăng của thanh khoản ở 2 phiên cuối tuần đều trên mức 4.000 tỷ đồng và sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng thì khả năng thị trường sẽ có cơ hội để kết thúc trạng thái đi ngang trong tuần tới và hướng về đỉnh tháng 7 ở ngưỡng 877,5 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/8, VN-Index tăng 6,57 điểm lên 854,78 điểm; HNX-Index tăng 1,46 điểm lên 122,64 điểm. Upcom-Index tăng 0,15 điểm lên 57,39 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 5,7 nghìn tỷ đồng.

Theo V. Hà (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/tin-chung-khoan-ngay-24-8-ty-phu-pham-nhat-vuong-ra-quyet-dinh-lien-quan-toi-doanh-nghiep-2-6-ty-usd-668780.html