Kinh tế

Từng kiếm 60 triệu đồng doanh thu/ngày, vì sao hàng xôi đông khách nhất Hà Thành đóng cửa không rõ lí do?

Nhiều thông tin đồn đoán về lí do đóng cửa đã được đưa ra, như vỡ nợ hay hiềm khích gia đình...

Nhiều thông tin đồn đoán về lí do đóng cửa đã được đưa ra, như vỡ nợ hay hiềm khích gia đình...

Từng kiếm 60 triệu đồng doanh thu/ngày, vì sao hàng xôi đông khách nhất Hà Thành đóng cửa không rõ lí do?

Những ngày gần đây, thông tin cửa hàng Xôi Yến đông khách bậc nhất Hà Thành đóng cửa gây xôn xao dư luận.

Hoạt động từ cách đây gần 20 năm, Xôi Yến vốn được biết đến bởi nhiều thế hệ. Trong cuộc trao đổi cách đây 5 năm với chúng tôi, chủ thương hiệu Xôi Yến, bà Lương Thị Hồng Yến (35B Nguyễn Hữu Huân) chia sẻ, cửa hàng được mở ra vào năm 1997. Khi đó, đây là lần đầu tiên ở Hà Nội có người bán xôi với đủ món các món trên đời như gà, thịt, trứng, chả, giò, batê, lạp xưởng…

“Thời điểm đó, người ta mua xôi chủ yếu để làm quà ăn sáng. Hàng quán, gánh rong bán xôi cũng chỉ bán xôi đơn thuần, chỉ thêm muối vừng, ruốc khá đơn giản. Tinh ý nhận ra điều đơn giản đó, cô học từ một người chị họ giỏi chế biến các món ăn kèm với xôi rất ngon, rồi sáng tạo thêm. Bán hàng ăn uống bỏ vốn ít, mà thu hồi vốn được ngay trong ngày nên cô quyết định kinh doanh. Xôi Yến là cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội làm xôi kết hợp cùng nhiều món phong phú, cầu kỳ hơn, trở thành bữa ăn chính, đủ chất và ngon miệng ”.

Ngày mới bán, Xôi Yến chỉ là một hàng xôi nhỏ, biển hiệu khiêm tốn, bán từ chiều tối đến khuya với ba nhân viên. Bà chủ kiêm luôn đầu bếp chính, lượng bán ít nhưng các món cũng phong phú gần bằng bây giờ, từ gà, thịt, giò chả, lạp xưởng, ba tê… “Hồi mới làm, khách chưa có, nên làm gì cũng cầm chừng, mỗi ngày chỉ dám thổi mười cân gạo nếp, bán hết là mừng. Khách thấy ngon đến đông dần, cửa hàng phát triển theo thời gian rồi trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến như ngày nay”.

Trước khi đóng cửa, cửa hàng Xôi Yến mở cửa tới 20/24h mỗi ngày, từ 5 giờ sáng đến 1 giờ đêm hàng ngày. Diện tích rộng 2 mặt tiền phố Nguyễn Hữu Huân, cửa hàng này dành nguyên 3 tầng, thậm chí cả vỉa hè để phục vụ khách ăn tại chỗ. Vị trí đắc địa, rộng rãi, là nhà riêng nên lại không mất chi phí thuê mặt bằng, có lẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp cửa hàng ăn nên làm ra đến vậy.

Với cường độ và tần suất khá khủng khiếp vào giờ cao điểm (giờ ăn trưa và giờ ăn tối), cửa hàng này cần đến ba người thay phiên quản lý cùng đội ngũ nhân viên hùng hậu, phân tổ khá chuyên nghiệp từ bán hàng (ăn tại chỗ, gói mang về), chạy bàn, nấu bếp, trông xe, bán đồ uống, ghi hóa đơn…

Diện tích bán tại chỗ thời điểm năm 2012 đã tăng gấp 3 lần so với hồi mới kinh doanh, chưa kể lượng lớn mua mang về (theo bà Yến lượng khách mua mang về tương đương với khách ăn tại chỗ), nhân viên tăng từ 3 người lên hơn 50 nhân viên, lượng gạo nếp sử dụng mỗi ngày là 2 tạ (200 kg, gấp 20 lần những ngày đầu), phục vụ 17 món đi kèm với 3 loại xôi, chưa kể đồ uống (như sữa đậu nành, trà đá và đồ uống đóng chai thông thường khác).

Theo tính toán của người viết sau khi đã tham khảo một số cửa hàng bán xôi nhỏ khác, với lượng tiêu thụ 200 kg gạo nếp, tức khoảng 280 – 300 kg xôi sau khi nấu chin, cửa hàng Xôi Yến cung cấp cho thị trường khoảng gần 2000 suất ăn mỗi ngày (khoảng 150 gram xôi/suất ăn).

Thời điểm 5 năm trước, làm một phép ước lượng đơn giản (tất nhiên không hoàn toàn chính xác), với giá bán 26.000 đồng/suất xôi thịt/trứng/bate hay 35.000 đồng/suất xôi gà/thịt. Giả định lượng tiêu thụ là ngang nhau, giá bán trung bình vào khoảng 30.000 đồng/suất, vậy doanh số mỗi ngày của cửa hàng này lên tới 60 triệu đồng (chưa kể đồ uống). Theo đó, doanh thu mỗi tháng vào khoảng 1,8 tỷ đồng.

Cho đến năm 2017, giá bán các món ở Xôi Yến đã tăng lên, tuy nhiên lượng bán chưa được cập nhật nên mức doanh thu như trên có thể sẽ không còn chính xác.

Có lẽ với quy mô và tốc độ phát triển hiện tại của cửa hàng này, người ta sẽ nghĩ rằng bà chủ sẽ tính đến việc mở rộng mặt bằng và nâng cấp cơ sở kinh doanh. Vậy mà, thời điểm gặp gỡ chúng tôi, chủ nhân của Xôi Yến lại để ngỏ khả năng đó.

Bà Yến chia sẻ đã từng có rất nhiều cá nhân, cơ sở khác muốn liên kết để ‘mượn’ thương hiệu Xôi Yến để kinh doanh nhưng bà đều từ chối. Bà xác định sẽ chỉ kinh doanh bình dân ở một địa điểm hiện có. Bà chủ này cũng tỏ ra rất thức thời khi đăng kí bảo hộ thương hiệu Xôi Yến - Phong vị Hà Thành từ rất sớm, tháng 10/2012.

Quá nổi tiếng, đến mức trở thành thói quen của nhiều người Hà Nội khi thèm một bữa xôi ngon miệng, ấm lòng nên cửa hàng ở ngã tư Nguyễn Hữu Huân này lúc nào cũng nườm nượp khách vào ra. Tuy nhiên, việc đột ngột đóng cửa hơn 1 tuần qua đã khiến nhiều khách quen của quán xôi này hụt hẫng.

 Cửa hàng sát cạnh (hình phải) do một người chị dâu của bà chủ Xôi Yến mượn thương hiệu. Ảnh chụp năm 2012.

Cửa hàng sát cạnh (hình phải) do một người chị dâu của bà chủ Xôi Yến mượn thương hiệu. Ảnh chụp năm 2012.

Nhiều thông tin đồn đoán về lí do đóng cửa đã được đưa ra, như vỡ nợ hay hiềm khích gia đình... Tuy nhiên, khi liên hệ với bà Phương (chị dâu bà Yến, chủ cửa hàng xôi sát bên cạnh), bà Phương phủ nhận mọi thông tin đồn đoán nói trên và không chia sẻ gì thêm. Chúng tôi đang cố gắng liên hệ với bà Yến, chủ cửa hàng Xôi Yến 35B Nguyễn Hữu Huân để xác nhận thông tin chính xác.

Theo K.A (Trí Thức Trẻ)