Kinh tế

Từ bắt ếch, bị lừa vào đa cấp đến nữ doanh nhân 100 tỷ đồng

Sau ánh hào quang của một phụ nữ thành đạt nhất trong giới xe điện, Hương Bike đã từng thức đêm bắt ếch, rớt đại học hai lần và bị lừa vào kinh doanh đa cấp.

Sau ánh hào quang của một phụ nữ thành đạt nhất trong giới xe điện, Hương Bike đã từng thức đêm bắt ếch, rớt đại học hai lần và bị lừa vào kinh doanh đa cấp.

Từ cô bé bắt ếch 3.000đ/con, Hương Bike trở thành doanh nhân 100 tỷ - Ảnh: Bùi Thư

 
Lê Thị Lan Hương (30 tuổi) hiện là tổng giám đốc công ty xe điện HK Bike có doanh thu hàng trăm tỷ mỗi năm. Sau ánh hào quang của một phụ nữ thành đạt nhất trong giới xe điện, Hương đã từng thức đêm bắt ếch, rớt đại học hai lần và bị lừa vào kinh doanh đa cấp.

Tuổi thơ cơ cực, thiếu thốn

Lan Hương, hay còn gọi là Hương Bike sinh ra trong gia đình nghèo ở tỉnh Phú Thọ. Bố mẹ làm công nhân không đủ nuôi hai chị em cùng ăn học nên từ nhỏ Hương đã tự lập rất sớm. Cơm nước, quần áo, học tập Hương đều tự mình lo liệu, ban ngày đến lớp, tối lại ra đồng bắt ếch kiếm tiền. Có khi lặn lội cả đêm để đủ ký đem ra chợ bán, có tiền đóng học phí.
 
Đêm nào tôi cũng ráng kiếm được những con ếch thật to rồi bán khoảng 3.000 – 4.000 đồng/con. Ngày xưa nhà nghèo, có khi đến trường trong bụng chỉ là cơm nguội độn nước mắm. Cái mùi đấy không bao giờ quên được. Và nói thật, thời gian ấy, những bữa cơm đầy đủ thịt cá chỉ là mơ.
 
Hương Bike chia sẻ

Hiện đã là người có doanh thu tới hàng trăm triệu/tháng nhưng Hương vẫn nhớ như in giá tiền bán ếch cơ cực lúc nhỏ: “Đêm nào tôi cũng ráng kiếm được những con ếch thật to rồi bán khoảng 3.000 – 4.000 đồng/con. Ngày xưa nhà nghèo, có khi đến trường trong bụng chỉ là cơm nguội độn nước mắm. Cái mùi đấy không bao giờ quên được. Và nói thật, thời gian ấy, những bữa cơm đầy đủ thịt cá chỉ là mơ”.

Trong khu làng Hương ở, nhiều gia đình phải cho con nghỉ học vì cái nghèo đeo đẳng. Hương cũng nhiều lần phải đối mặt với việc bỏ học giữa chừng, nhưng thay vì than khóc, Hương lại lao vào việc bắt ếch, đồng án để đỡ đần bố mẹ và thực hiện ước mơ đến trường của bản thân.

“Trong đầu mình lúc đó chỉ suy nghĩ làm sao có tiền đóng học phí vì chỉ có tri thức, chỉ có việc đậu vào Đại học mới có thể đưa mình ra khỏi làng quê nghèo, tìm đến một tương lai tươi sáng hơn” - Hương Bike chia sẻ.

Hai lần trượt đại học, bị lừa vào đa cấp

Theo nguyện vọng của bố mẹ, Hương thi vào Khoa Quốc tế của trường ĐH XH&NV Hà Nội nhưng hai năm đều rớt.
 
 Nhưng không bỏ cuộc, Hương quay trở về với đam mê và thế mạnh của mình là các môn Tự nhiên và trở thành sinh viên duy nhất dành suất học bổng toàn phần của Học viện công nghệ Quốc gia.

Xinh đẹp, tài năng, Hương Bike là bóng hồng duy nhất trong ngành xe điện tại Việt Nam - Ảnh: NVCC


Với bản tính táo bạo, thích khám phá, Hương Bike nghe theo lời một người bạn dùng hết tiền đầu tư kinh doanh mà không biết mình đang trở thành nhân viên đa cấp.

Giờ nhớ lại, Hương bật cười: “Năm 2005, mình được lên một cái hội trường mà đông người như kiến. Mọi người hô đoàn kết là vỗ tay ầm ầm. Người ta biểu diễn cho mình xem con cá sắp chết thả vào máy ozon, chưa đầy 1 giây sau nó sống lại. Mình thấy họ quá chuyên nghiệp, quần áo vest lịch sự, nói năng tự tin, và cũng muốn được phát triển như thế.”

Sau hai tháng, Hương nhận ra bản chất của công ty mình làm và rời bỏ: “Mình thấy nó khác hoàn toàn so với những gì họ hứa hẹn. Họ muốn chèo kéo thêm nhiều người, mà chính từ những sinh viên nghèo như mình. Rốt cuộc, tụi mình phải đi mượn tiền, nhất là sau thời gian không có khách hàng mình phải đóng tiền để duy trì vị trí. Nhiều bạn mình đổ nợ, lừa cả những người thân nên thực sự rất khủng khiếp”.

Bóng hồng duy nhất trong làng xe điện

Sau khi tốt nghiệp, Hương Bike làm nhân viên cho một hãng điện thoại với mức lương 3 triệu/tháng. Trong một chuyến công tác lên Hà Giang, lần đầu tiên Hương được hít thở bầu không khí trong lành, ý nghĩ sẽ làm nên một công ty sản xuất xe điện ập đến: “Ở Hà Nội, không khí nặng đến mức tưởng như mình không thể thở nổi.

Lên Hà Giang, bỗng luồng không khí nhẹ bâng, trong lành, mát mẻ. Mình tìm hiểu mới biết Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới. Giây phút đó, mình quyết tâm làm ra phương tiện thân thiện với môi trường, bằng mọi cách, thành phố mình sống phải có được bầu không khí ấy”.

Ở Hà Nội, không khí nặng đến mức tưởng như mình không thể thở nổi.
Hương Bike
Nói là làm, Hương Bike bắt tay vào tìm hiểu về thị trường xe điện và chỉ sau 6 tháng, cửa hàng đầu tiên do cô làm chủ đã khai trương tại Khâm Thiên. Để mở được cửa hàng, Hương tách ra cùng một nhóm với nguồn tiền vay từ công ty HK phone (nơi cô làm việc).

Từ số vốn ban đầy 2 tỷ, công ty cổ phần HK Bike đã phát triển thành 63 cửa hàng với doanh thu 100 tỷ trên khắp cả nước.

Cũng từ đó, nữ giám đốc Lan Hương trở thành bóng hồng duy nhất ttong lĩnh vực trước giờ chỉ ghi nhận tên tuổi của đấng mày râu.

Nói về thành công của mình, Hương Bike cho rằng tất cả nhờ vào ý tưởng: “Một chiếc điện thoại Iphone nó đồng bộ hóa nên chạy tốt hơn nhiều so với các điện thoại khác thì xe điện của tôi cũng phải đồng bộ từ động cơ đến bình điện nên nổi bật hơn so với các dòng sản phẩm khác”. Cô thừa nhận, vì mình là nữ nên có nhiều thuận lợi hơn khó khăn: “Khi gặp đối tác, đa số họ nhẹ nhàng với mình. Chắc là phụ nữ duy nhất nên mọi người thấy thú vị” – Hương Bike bật cười.

“Theo tôi, thiên tài công nghệ không phải là người chế tạo ra những sản phẩm người khác không hiểu và không ứng dụng được mà làm ra sản phẩm số đông sử dụng được. Xét về lĩnh vực xe điện tại Việt Nam, đàn ông tôi chưa thấy ai hơn mình, phụ nữ thì chẳng có ai ngoài mình” - nữ giám đốc khẳng định.

Tới thời điểm hiện tại, Hương Bike tiếp tục nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm mới, đẩy mạnh truyền thông để thực hiện trọn vẹn ước mơ đem không khí trong lành về các thành phố ô nhiễm nặng ở Việt Nam.
 
Theo Bùi Thư (Thanh Niên Online)