Kinh tế >> Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Trung Quốc sẵn sàng thương chiến với Mỹ bao lâu?

Vũ khí lớn nhất giúp cân bằng lợi thế với Mỹ mà Bắc Kinh đang sở hữu chính là tầm nhìn dài hạn vượt ra khỏi những bất lợi trước mắt.

Hôm 3-8, trên trang Twitter chính thức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng tải dòng trạng thái khẳng định: “Mọi thứ đang diễn ra rất tốt đẹp liên quan tới vấn đề Trung Quốc (TQ). Họ đang trả cho Mỹ hàng chục tỉ USD nhờ vào chính sách phá giá tiền tệ và bơm tiền mặt để duy trì hệ thống của họ. Cho đến nay, người tiêu dùng của Mỹ không phải trả gì cả và cũng không có lạm phát”. Tổng thống cũng tiết lộ nhận được nhiều lời đề nghị đàm phán từ các nước khác do không muốn bị Mỹ áp thuế mà ông nhấn mạnh là những “thỏa thuận thực chất”.

Một ngày trước đó, Bộ Ngoại giao TQ tuyên bố dù Bắc Kinh không muốn leo thang với Mỹ, nước này sẽ đáp trả nếu tình thế bắt buộc. Tương tự, Bộ Thương mại TQ đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp đối phó cần thiết để bảo vệ các “lợi ích cốt lõi”.

Mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung hiện bước vào giai đoạn căng thẳng mới sau khi ông Donald Trump ngày 1-8 thông báo sẽ áp thuế bổ sung 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của TQ kể từ tháng 9 tới.

Trung Quốc sẵn sàng thương chiến với Mỹ bao lâu?
Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón ông Donald Trump trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Trung Quốc vào tháng 11-2017. Ảnh: REUTERS

Giải mã chiến lược của Trung Quốc

Chuyên gia về châu Á Atul Aneja nhận định nhiều dấu hiệu đã xuất hiện cho thấy TQ đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu dài hạn với Mỹ đến ít nhất là 15 năm tiếp theo. Theo ông Aneja, sở dĩ giới lãnh đạo Bắc Kinh có lập trường cứng rắn về các vấn đề thương mại dựa trên các phát ngôn gần đây là bởi nước này đang có ý định tiếp tục duy trì thế cạnh tranh với Washington sau khi ông Trump đã rời nhiệm sở, ngay cả trong trường hợp ông có thể tái đắc cử nhiệm kỳ 2 vào năm 2020.

“Ý định kéo dài cuộc đối đầu của TQ đã lộ rõ qua các động thái trong nhiều tháng gần đây. Hôm 22-5, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế TQ Zhang Yansheng trong một buổi hội thảo đã khẳng định Bắc Kinh và Washington sẽ đồng thời “đàm phán” và “đối đầu” lặp đi lặp lại cho đến năm 2035.

Năm 2035 là một năm rất quan trọng, vì đây là cột mốc hoàn thành của kế hoạch “hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa” mà Đại hội Đảng Cộng sản TQ lần thứ 19 đã đề ra vào năm 2017” - chuyên gia Aneja giải thích. Một số nhà phân tích cho rằng đích đến của kế hoạch trên có thể ngụ ý năm 2035 là thời điểm mà TQ chính thức vượt qua Mỹ cả về tiềm lực kinh tế và thế mạnh công nghệ.

Chuyên gia Aneja cũng lưu ý: Ông Tập Cận Bình vào tháng 5-2019 đã thừa nhận sẽ có những bước thăng trầm và có thể sẽ thay đổi chiến thuật để thích nghi khi khẳng định TQ cần tiến hành một cuộc “vạn lý trường chinh mới” hòng giành lấy thắng lợi trước Mỹ.

Đây là hình ảnh so sánh với cuộc rút lui quy mô lớn kéo dài từ năm 1934 đến 1936 của Hồng quân TQ trước sự truy sát của Tưởng Giới Thạch để rồi giành chiến thắng 15 năm sau đó. Một phương án mà Bắc Kinh có thể đang cân nhắc trước mắt là tạm thời giữ thế, chờ cơ hội thích hợp để phản công Washington.

Đài BBC cho biết TQ cũng đang soạn thảo một danh sách đen các công ty nước ngoài đe dọa lợi ích của nước này, tương tự danh sách của Mỹ mà Huawei bị thêm vào. Tập đoàn vận chuyển FedEx là mục tiêu trước mắt của Bắc Kinh.

Khó khăn không làm chùn bước Bắc Kinh

Trong một bài viết cho tạp chí Project Syndicate, ông Stephen S. Roach, cựu chủ tịch Tập đoàn Morgan Stanley Chi nhánh châu Á, nhận định vũ khí lớn nhất giúp cân bằng lợi thế với Mỹ mà Bắc Kinh đang sở hữu chính là tầm nhìn dài hạn vượt ra khỏi những bất lợi trước mắt.

Thứ nhất, ông Roach cho rằng TQ không quá lo ngại việc tốc độ tăng trưởng bị chững lại như Washington đánh giá. Đúng là nếu so với quá khứ thì tăng trưởng GDP hiện tại của nước này đang chậm đi, tuy nhiên tỉ lệ 6,2% trong quý II-2019 thực sự là mức giảm tương đối nhẹ (0,5%) so với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,7% của tám quý trước đó. Ngoài ra, chính quyền TQ vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cùng các hình thức kích cầu tài khóa khác để bù lại cho các tác động tiêu cực mà thương chiến gây ra.

Thứ hai, việc Washington quá chú ý đến chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về nơi nào đã bỏ qua một sự thay đổi cấu trúc rất quan trọng trong nền kinh tế TQ, đó là nước này đang cắt giảm đáng kể quy mô xuất khẩu, giá trị xuất khẩu ròng năm 2018 chỉ chiếm 0,8% GDP. Do đó, ngay cả khi là người thua cuộc thì thiệt hại đối với kinh tế TQ cũng sẽ không đáng kể.

Thứ ba, ông Roach đánh giá Bắc Kinh đã nhiều lần chứng tỏ sự kiên nhẫn của mình và đề ra những phương pháp phù hợp trong việc đối phó với các vấn đề khó xác định như chính trị Mỹ. Dù TQ rất quan tâm đến kết quả bầu cử Mỹ năm 2020, lãnh đạo này tuy vậy cũng phải hoạt động theo quan điểm “Vạn lý Trường chinh mới” của ông Tập nhằm chuẩn bị cho một cuộc đối đầu dài hạn như thời kỳ Chiến tranh lạnh.

“Nhiều lần tầm nhìn dài hạn của TQ trái ngược hoàn toàn với cách tiếp cận ngắn hạn của Mỹ. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn trong hơn hai năm qua khi chứng kiến những dòng trạng thái mà ông Trump đăng tải trên Twitter. Một quan chức cấp cao của TQ thừa nhận với tôi rằng ông kiểm tra Twitter của Tổng thống Trump mỗi buổi sáng” - chuyên gia Roach chia sẻ.

Lo ngại Trung Quốc, Lầu Năm Góc sắp triển khai tên lửa ở châu Á

Hôm 3-8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố muốn sớm triển khai các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất tại châu Á. Ông không tiết lộ địa điểm sẽ đặt tên lửa, cho biết cần phải thảo luận lại với các đồng minh trong khu vực.

Theo hãng tin AFP, động thái này của Mỹ có thể là nhằm đối phó với sự trỗi dậy của TQ trong khu vực. Ông Esper nhấn mạnh TQ không nên ngạc nhiên trước các kế hoạch tương tự của Mỹ.

“Tôi cho rằng nó sẽ không tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang. Tôi thấy chúng tôi đang thực hiện các biện pháp chủ động cần thiết cho châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương” - Bộ trưởng Esper trấn an. Tuyên bố cũng được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga.

Theo Vĩ Cường (Pháp Luật TPHCM)