Kinh tế

Trung Quốc lần đầu đi vay với lãi suất âm

Môi trường lãi suất siêu thấp tại châu Âu tạo điều kiện cho Trung Quốc bán lô trái phiếu đầu tiên với lãi suất âm 0,152%.

Đợt bán trái phiếu ngày 18/11 đã giúp Trung Quốc thu về 4 tỷ euro (4,74 tỷ USD). Samuel Fischer – Giám đốc mảng thị trường vốn Trung Quốc tại Deutsche Bank – một trong các ngân hàng tham gia điều tiết đợt bán này cho biết nhà đầu tư đã đặt mua tới 18 tỷ euro.

Đợt bán lần này gồm 3 loại. Trái phiếu kỳ hạn 5 năm có lãi suất 0,152%. Loại kỳ hạn 10 năm và 15 năm có lãi suất dương, lần lượt là 0,318% và 0,664%.

Theo Dealogic, đây là lần đầu tiên Trung Quốc bán trái phiếu lãi suất âm. Điều này có nghĩa khi trái phiếu đáo hạn, nhà đầu tư nhận về ít tiền hơn so với số vốn bỏ ra ban đầu.

Trung Quốc lần đầu đi vay với lãi suất âm
Bên ngoài một khu mua sắm tại Bắc Kinh hồi tháng 10. Ảnh: AP

Nhu cầu lớn xuất phát từ việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh sau khi kiềm chế được đại dịch, và nước này hiếm khi bán trái phiếu niêm yết bằng đồng euro. "Mọi người muốn tăng tiếp xúc với Trung Quốc. Thị trường tài chính nước này vẫn mở, nhưng trái phiếu chính phủ bán ra lại ít. Câu chuyện về kiềm chế Covid-19 và phục hồi kinh tế cũng khiến họ thích thú", Fischer cho biết.

Các giám đốc quỹ đầu tư sẵn sàng mua trái phiếu lãi suất âm, một phần vì họ cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục mua lại trái phiếu. Việc này cho phép họ bán kiếm lời. Trái phiếu chính phủ cũng an toàn và có thanh khoản cao hơn.

Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu Trung Quốc âm nhưng vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư châu Âu, vì còn cao hơn so với nhiều nước khác. Ví dụ, trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm của Đức có lãi suất -0,749% hôm qua.

James Athey – Giám đốc Đầu tư tại Aberdeen Standard Investments cho biết đi vay bằng đồng euro có nhiều lợi ích khác, ngoài lãi suất thấp. "Trung Quốc còn muốn giảm phụ thuộc vào Mỹ và thị trường bằng đôla Mỹ nữa", ông nói.

Gần đây, Trung Quốc rất tích cực tham gia vào thị trường trái phiếu. Tháng 11 năm ngoái, họ bán trái phiếu bằng đồng euro lần đầu tiên kể từ năm 2004. Tháng trước, nước này cũng huy động 6 tỷ USD bằng trái phiếu.

GDP Trung Quốc tăng 4,9% quý III so với năm ngoái, dần quay lại quỹ đạo tiền đạo dịch. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng trước dự báo Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương năm nay, với 1,9%.

Nợ công toàn cầu năm nay tăng nhanh, do các nước cần vốn để đối phó đại dịch. Moody’s dự báo nợ công của Trung Quốc sẽ lên 185% - 190% GDP giai đoạn 2020 – 2021, tăng so với 167% năm ngoái.

Theo Hà Thu (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/trung-quoc-lan-dau-di-vay-voi-lai-suat-am-4194456.html