Kinh tế

Trung Quốc giảm thuế, hạ mục tiêu tăng trưởng

Trung Quốc muốn chặn lại đà giảm tốc, trong bối cảnh phải đối phó với khối nợ khổng lồ và căng thẳng thương mại với Mỹ.

Trong báo cáo thường niên Thủ tướng Trung Quốc – Lý Khắc Cường trình lên Quốc hội nước này sáng nay, mục tiêu tăng GDP năm 2019 là 6 – 6,5%. Mọi năm, mục tiêu của họ là một con số cụ thể, như 6,5% năm 2018, thay vì một khoảng. Sự thay đổi năm nay sẽ giúp giới chức Trung Quốc dễ xoay xở trong thời kỳ biến động.

Mốc 6% cũng sẽ là thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua. Đây là hệ quả của quá trình giảm tốc kéo dài nhiều năm qua tại Trung Quốc, kể từ sau thời kỳ tăng trưởng 2 chữ số giữa những năm 2000. "Hiện tại, họ sẽ nghiêng về bình ổn tăng trưởng và tạm gác lại bình ổn tài chính trong trung hạn", hai nhà kinh tế Chang Shu và David Qu tại Bloomberg Economics nhận định.

Trung Quốc giảm thuế, hạ mục tiêu tăng trưởng
Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Quảng Châu (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg

Giới chức nước này cũng công bố giảm thuế VAT nhằm hỗ trợ lĩnh vực sản xuất. Mức giảm 3% với ngưỡng thuế cao nhất hiện tại có thể tương đương gói kích thích 600 tỷ NDT (90 tỷ USD), Morgan Stanley ước tính.

Mục tiêu thâm hụt ngân sách năm nay là 2,8% GDP, cao hơn năm ngoái (2,6% GDP). Chính sách tiền tệ của nước này vẫn theo lập trường "thận trọng", còn chính sách tài khóa sẽ "chủ động, mạnh và hiệu quả hơn".

Báo cáo năm nay của Trung Quốc cho thấy sự chuyển hướng so với năm ngoái. Khi đó, Trung Quốc vẫn tập trung kiềm chế rủi ro tín dụng và giảm chi ngân sách. Năm nay, mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn hơn, cùng với các biện pháp kích thích tập trung hơn cho thấy chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực bình ổn nền kinh tế sau năm 2018 chịu nhiều thiệt hại.

Hôm qua, chứng khoán Trung Quốc lên cao nhất 8 tháng khi Shanghai Composite vượt 3.000 điểm. Từ đầu năm, vốn hóa trên thị trường Trung Quốc đã tăng 1.500 tỷ USD, do nhà đầu tư lạc quan vào các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.  Dù vậy, kể cả khi giải quyết được căng thẳng thương mại với Mỹ, rủi ro nợ và tiêu dùng yếu đi tại Trung Quốc vẫn còn.

Theo Hà Thu (VnExpress.net)