Kinh tế

Trung Quốc còn một quân bài lợi hại trong thương chiến khiến các 'ông lớn' của Mỹ lo ngại

Trong bối cảnh thương chiến với Mỹ chưa có hồi kết, thị trường 1,2 tỷ dân của Trung Quốc đang có tín hiệu quay lại với các thương hiệu nội địa, thách thức các doanh nghiệp Mỹ.

Trung Quốc còn một quân bài lợi hại trong thương chiến khiến các 'ông lớn' của Mỹ lo ngại

Người Trung Quốc chuyển dần sang hàng nội địa

Ziyu Sun, một kĩ sư 23 tuổi làm việc tại thành phố Thanh Đảo. Sun nói lòng yêu nước là lý do chính dẫn đến quyết định mua điện thoại Huawei, sau khi đã đọc nhiều bài báo trên Alibaba và Weibo kêu gọi sự ủng hộ đối với các thương hiệu nội địa. "Tuy nhiên chất lượng của Huawei cũng rất tốt", Sun nói.

Tương tự, Yongming Su, một giáo viên ở Bắc Kinh cho biết nếu không có quá nhiều sự khác biệt, anh sẽ ủng hộ các sản phẩm trong nước.

Tâm lý này có thể sẽ tạo ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Mỹ trong năm 2020. Vào năm 2018, Mỹ đã xuất khẩu 120 tỷ USD hàng hoá sang Trung Quốc, đưa nước này trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Mỹ sau Canada và Mexico. Nhiều nhãn hiệu của Mỹ như Nike, Apple và General Motors (GM) đã đặt triển vọng phát triển tương lai vào thị trường đông dân nhất thế giới.

GM, hãng xe lâu đời nhất của Mỹ, hiện bán nhiều xe ở thị trường Trung Quốc hơn tại Mỹ. "Tâm lý người tiêu dùng là yếu tố chúng tôi rất quan tâm vào lúc này", Chủ tịch GM Trung Quốc Matt Tsien nói.

Nhiều nhãn hàng Trung Quốc, ví dụ như Huawei và Xiaomi, đang trở thành những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhiều hãng công nghệ lớn trên toàn cầu. Bên cạnh chất lượng sản phẩm và các khoản chi khổng lồ cho quảng cáo, không thể phủ nhận lòng tự hào dân tộc đã góp phần quan trọng cho sự phát triển này.

Vào năm 2019, các công ty như Huawei và hãng sản xuất máy bay không người lái SZ DJI Technology đã vượt qua những công ty tưởng chừng như không thể xâm phạm như Apple hay Nike để lọt vào danh sách top 10 nhãn hàng ưa thích nhất tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các hãng nội địa hiện chiếm một nửa top 50 nhãn hàng trong 2019, thể hiện sự tăng trưởng đáng kể so với con số 18 vào 3 năm trước, trong đó Alipay và Huawei giữa 2 vị trí đầu tiên.

Huawei hiện là công ty có doanh thu bán điện thoại lớn nhất Trung Quốc, chiếm 37% thị phần, trong khi Apple hiện chỉ còn 7%, giảm từ 11% vào 2012, thời điểm khi Huawei chỉ đứng thứ 5 về doanh thu ở Trung Quốc.

Bên cạnh các nhãn hiệu sản phẩm, những sản phẩm giải trí của Trung Quốc, bao gồm phim ảnh, âm nhạc, cũng đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ yếu tố yêu nước của người dân. Điều này được thể hiện thông qua ngày càng có nhiều các ngôi sao trên mạng xã hội bày tỏ lòng yêu nước. Đây được cho là những người có ảnh hưởng lới tới lượng hàng hoá trị giá 413 tỷ USD dự kiến sẽ được bán thông qua các trang thương mại điện tử ở Trung Quốc vào năm 2022.

Một blogger tại Thượng Hải với hơn 300.000 người theo dõi trên Instagram và Weibo cho biết làn sóng yêu nước đã khiến cô thay đổi cách suy nghĩ về việc hợp tác với các nhãn hiệu hay tham gia các sự kiện. "Tôi đã từ bỏ hợp tác với Givenchy, Versace, hay Coach, bởi là một nhân vật của công chúng, điều này sẽ khiến nhiều người đặt câu hỏi về quan điểm chính trị của mình. Tôi không nghĩ mình sẽ ủng hộ nhãn hàng nào thể hiện thái độ không ủng hộ quan điểm chính trị của đa phần người dân Trung Quốc".

Các thương hiệu lớn của Mỹ lo ngại

Vào đầu năm, khi một hãng xe ô tô Trung Quốc tìm kiếm một đại diện hình ảnh cho mẫu xe điện mới của hãng, một công ty quản lý nghệ sĩ đề xuất diễn viên đóng vai Captain America Chris Evans. Công ty này cho rằng việc kí kết hợp đồng hình ảnh với một trong những ngôi sao của bộ phim đình đám Avengers: Endgame, sẽ là sự lựa chọn lý tưởng cho một chiến dịch quảng cáo hoành tráng quy mô toàn cầu.

Đề xuất này, tuy nhiên, đã không nhận được sự chấp thuận từ lãnh đạo hãng xe. "Họ nhìn vào bản đề xuất và nói rằng: Chúng tôi có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc. Do đó, việc đầu tư vào hình ảnh Captain America sẽ mang lại rủi ro cho công ty trong bối cảnh chiến tranh thương mại", Michael MacRitche, người sáng lập công ty MGI Entertainment nói. Hãng xe Trung Quốc sau đó quyết định chọn lựa một ngôi sao Trung Quốc.

Trước thời điểm các hãng bán lẻ Trung Quốc rút bỏ các sản phẩm có liên quan đến giải bóng rổ Mỹ NBA, sau khi một quan chức của giải đấu thể hiện công khai sự ủng hộ đối với người biểu tình ở Hong Kong, cuộc chiến tranh thương mại đã thúc đẩy làn sóng yêu nước và tinh thần chống Mỹ trong xã hội Trung Quốc.

Điều sau đó đã ảnh hưởng trực tiếp tới các quyết định kinh doanh cũng như thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Những công ty như Apple đã phải chứng kiến thị phần ở thị trường Trung Quốc sụt giảm mạnh.

Kể cả khi Mỹ và Trung Quốc đạt được sự hòa hoãn nhất thời trong cuộc chiến thương mại, các chuyên gia marketing cho rằng những tác động tiêu cực đối với nhiều thương hiệu lớn sẽ không thể xoá bỏ.

Theo Minh Khôi (Soha/Trí Thức Trẻ)