Kinh tế

Trạm thu phí BOT T2 và giá điện làm nóng nghị trường

“Nếu triển khai thì không có chuyện cách đây vài ngày, người dân đã kéo đến trạm BOT T2 phản ứng dữ dội. Hậu quả là công trình có ý nghĩa to lớn của Đồng Bằng Sông Cửu Long là cầu Vàng cống vừa khánh thành, chỉ vì sai lầm, tắc trách của một bộ phận đã mất đi tính chất nhân văn”, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.

Trạm thu phí BOT T2 và giá điện làm nóng nghị trường
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang). (Ảnh: Internet)

Theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, sáng 30/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường nhằm đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Phát biểu mở đầu tiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu tới Quốc hội phản ánh của cử tri tỉnh An Giang về việc triển khai xây dựng tại dự án đường tránh Long Xuyên ở An Giang. Thực tế dự án "mãi không trôi", dẫn tới bức xúc của người dân khi đi qua trạm thu phí BOT T2 những ngày qua.

“Tôi rất mừng là tại kỳ hợp trước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trực tiếp tới đoàn của mình để tìm hiểu việc xây dựng đường tránh Long Xuyên. Tưởng như mọi việc đã vào guồng, nhưng 6 tháng qua, mọi việc tiến triển rất chậm. Mọi việc tưởng như được khẳng định qua hai thời kỳ Thủ tướng, có thể đạt được hiệu quả kinh tế nhãn tiền cho đời sống kinh tế-xã hội cả một tỉnh nghèo.

Nếu triển khai thì không có chuyện cách đây vài ngày, người dân đã kéo đến trạm BOT T2 phản ứng dữ dội, hậu quả là công trình có ý nghĩa to lớn của Đồng Bằng Sông Cửu Long là cầu Vàm cống vừa khánh thành, chỉ vì sai lầm, tắc trách của một bộ phận đã mất đi tính chất nhân văn.

Khởi công đường tránh Long Xuyên và có giải pháp tháo gỡ công bằng cho người dân khi đi qua trạm thu phí BOT là nguyện vọng lớn nhất của cử tri An Giang lúc này”, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.

Về đời sống, cụ thể là vấn đề tăng giá điện và giá xăng dầu, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho biết, Bộ Công Thương đã có tờ trình về việc tăng giá điện, giá xăng dầu dài gần 20 trang với rất nhiều con số khẳng định Bộ làm đúng.

“Lấy ví dụ bản thân là bác sĩ, cho dù phác đồ đúng nhưng bệnh nhân không tốt lên thì tôi phải xem xét lại. Nhiều khi trên lý thuyết là đúng nhưng triển khai có thể sai. Lúc này phải dừng lại suy xét, không bảo thủ, che giấu sai lầm. Vậy nên, khi rất nhiều người dân phản ứng bức xúc, Bộ Công thương phải tìm các giải pháp rút kinh nghiệm phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát của mình trong thời gian qua trong việc điều hành giá xăng dầu. Tại sao nguồn gốc sâu xa, có việc độc quyền, không có cạnh tranh của ngành điện trong việc mua bán, truyền tải điện”, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu kết thúc phần phát biểu của mình.

Tương tự, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, nhiều ĐBQH cũng không đồng tình về cách tính giá điện theo thang 6 bậc hiện nay mà Bộ Công Thương áp dụng. Một số khác băn khoăn với việc điều chỉnh giá điện từ 20/3.

Trong một buổi thảo luận tổ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ từng lý giải việc chọn thời điểm tăng vào ngày 20/3 là hợp lý. Ông cho rằng nếu không tăng giá điện vào tháng 3 mà lùi lại thời điểm khác trong năm thì mức tăng phải gấp đôi mới có thể trang trải được khoản thiếu chi phí mua điện năm 2019 là 20.000 tỷ đồng.

Theo Hoàng Nhật (Dân Việt)