Kinh tế

TP HCM vận động doanh nghiệp bỏ thói quen "chạy chọt"

Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo các sở ngành, quận huyện cần tăng cường vận động doanh nghiệp bỏ thói quen "chạy chọt" bởi chính quyền trong sạch vững mạnh phải được chung sức cả từ phía chính quyền lẫn xã hội.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo các sở ngành, quận huyện cần tăng cường vận động doanh nghiệp bỏ thói quen "chạy chọt" bởi chính quyền trong sạch vững mạnh phải được chung sức cả từ phía chính quyền lẫn xã hội.

"Sắp tới, những thông tin này cần được công khai. Những quy hoạch nào còn thiếu cần tiếp tục rà soát, đánh giá để công khai", ông Tuyến yêu cầu.

tp-hcm-van-dong-doanh-nghiep-bo-thoi-quen-chay-chot

Ông Trần Vĩnh Tuyến. Ảnh: Hữu Công.

Phó chủ tịch phụ trách kinh tế của TP HCM cũng nói rằng, về chỉ tiêu chi phí không chính thức, các sở ngành, quận huyện cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, vận động họ từ bỏ thói quen "chạy chọt". Bởi chính quyền trong sạch vững mạnh phải được chung sức từ 2 phía - chính quyền và xã hội.

"Song song đó, thành phố sẽ đẩy nhanh các dịch vụ công trực tuyến, giảm dần tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ với người dân và doanh nghiệp, tránh nhũng nhiễu, giảm những khoản chi phí không chính thức…", ông chỉ đạo.

 

Với giải pháp cải thiện chỉ số cạnh tranh không bình đẳng, ông Tuyến cho biết thành phố sẽ xây dựng trung tâm khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp về đầu tư, hướng dẫn doanh nghiệp làm ăn trên tất cả các lĩnh vực. Trung tâm này cũng tư vấn, giúp doanh nghiệp nước ngoài tiếp xúc trực tiếp với các chính sách, quy hoạch của thành phố để thuận lợi khi đầu tư dự án.

Ngoài ra, TP HCM sẽ nghiên cứu hình thành một bảng khảo sát riêng cho thành phố với những tiêu chí phù hợp, thực hiện 6 tháng một lần. Việc khảo sát sẽ bắt đầu từ tháng 6 với đối tượng là doanh nghiệp cả trong và ngoài nước về những vấn đề họ quan tâm như thuế, công khai, minh bạch các quy hoạch, thủ tục.

"Chúng ta làm sao để cơ quan nhà nước là chỗ dựa cho doanh nghiệp chứ không phải là nỗi ám ảnh đối với doanh nghiệp khi muốn đến làm ăn tại thành phố", ông Tuyến đề nghị.

Trước đó, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Nguyễn Hoàng Minh nói rằng xét về tính minh bạch thì hiện nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu đầu tư vào thành phố, nhưng đâu đó, cán bộ vẫn chưa tận tình hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, trong năm 2016 chỉ số PCI của thành phố sụt hai hạng so với năm 2015 theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI (từ hạng 6 xuống hạng 8).

Trong đó, theo đánh giá của các doanh nghiệp được VCCI khảo sát, chỉ số tính minh bạch của thành phố giảm từ 6,51 điểm xuống còn 6,5 điểm bởi doanh nghiệp cho rằng các tài liệu liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước chưa chặt chẽ dẫn đến doanh nghiệp cho rằng cần có "mối quan hệ" và biết cách "thương lượng" với cơ quan nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chỉ số cạnh tranh bình đẳng cũng giảm từ 4,28 điểm xuống còn 4,13 điểm bởi doanh nghiệp khảo sát cho rằng trên địa bàn thành phố, nhà nước còn ưu ái cho doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nhà nước hơn nhóm doanh nghiệp trong nước.

Chỉ số tính năng động của chính quyền địa phương giảm từ 4,19 điểm xuống còn 4,17 điểm. Trong khi đó, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giảm từ 7 điểm xuống còn 6,82 điểm; chỉ số thiết chế pháp lý giảm từ 5,04 điểm xuống còn 4,25 điểm.

Theo Trung Sơn (VnExpress.net)