Kinh tế

Tội phạm thẻ lại bùng phát

Hàng loạt vụ mất tiền trong tài khoản thẻ đã xảy ra thời gian gần đây. Nhiều trường hợp ngân hàng không thể hỗ trợ đòi lại tiền do ngay sau khi lấy được tiền tội phạm đã chuyển thành thẻ cào hoặc thẻ game.

Tội phạm thẻ lại bùng phát
Tin nhắn bị trừ tiền của anh Nguyễn Tiến Đạt. Ảnh: NVCC.

Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, anh Nguyễn Tiến Đạt, chủ thẻ NH Vietinbank, cho biết khoảng 14h30 ngày 17-5 anh nhận được tin nhắn báo tài khoản của anh bị rút tiền dù anh không có giao dịch gì. 

Ngay sau đó, anh Đạt gọi lên trung tâm thẻ ngân hàng để yêu cầu khóa thẻ. Trong quá trình đọc thông tin cá nhân thì tài khoản của anh bị trừ tiếp gần 10 triệu đồng. Tổng số tiền bị trừ là gần 15 triệu.

Ngay chiều hôm đó, anh Đạt có lên Ngân hàng để làm đơn khiếu nại và sau đó có vài lần lên NH để yêu cầu kiểm tra thông tin. Ngân hàng trả lời ngày 24-6 mới có kết quả điều tra. 

Tuy nhiên, ngày 22-6, NH hẹn anh lên làm việc và cho biết không thể trả tiền cho anh do số tiền của anh bị sử dụng để mua thẻ game thông qua dịch vụ Zalopay và Ví Momo.

Mới đây cũng xảy ra hai vụ chủ thẻ ATM Ngân hàng Đông Á bị mất tiền vào rạng sáng 27-6. Trong đó trường hợp chị Phương Thùy mất 85 triệu đồng, còn chị Ngọc Duyên mất 116 triệu đồng. Có điều trùng hợp là thời điểm xảy ra vụ mất tiền đều từ 3h31 đến 4h sáng 27-6.

Đại diện Ngân hàng Đông Á cho biết đã tiếp nhận hai vụ việc và đang tìm nguyên nhân.

Mới nhất, Ngân hàng Agribank cũng vừa phát cảnh báo về việc tội phạm xâm nhập vào hệ thống email để thay đổi thông tin về người hưởng trên hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng.

Cụ thể, ngân hàng này cho biết gần đây có một số trường hợp khách hàng chuyển tiền không đến đúng người hưởng do bị "hack email" và yêu cầu ngân hàng hỗ trợ đòi lại tiền từ ngân hàng nước ngoài.

Theo Agribank, hacker thường hướng tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các công ty có tính bảo mật không cao, thiếu các quy định về an toàn khi sử dụng email…. Khả năng đòi lại tiền trong trường hợp giao dịch bị hack email là khó do kẻ lừa đảo rút tiền ra ngay sau khi tiền vào tài khoản hoặc do thủ tục đòi tiền rất phức tạp từ phía các ngân hàng nước ngoài.

NH Agribank khuyến cáo khách hàng lưu ý một số dấu hiệu lừa đảo như hợp đồng và các giao dịch liên quan đến việc thực hiện hợp đồng đều thực hiện qua email. Bên xuất khẩu và bên nhập khẩu không xác nhận giao dịch bằng các hình thức khác (như điện thoại, fax…). 

Hoặc yêu cầu chuyển tiền thanh toán tới một tài khoản mới, khác với số tài khoản hoặc quốc gia mà DN chuyển tiền trước đó.

Cũng có trường hợp tội phạm chỉ dẫn thanh toán vòng vèo, thanh toán cho người hưởng ở Ý nhưng lại chỉ dẫn thanh toán qua một ngân hàng ở Mỹ và một ngân hàng ở Đức. 

Yêu cầu giữ bí mật, thông tin thanh toán thay đổi đột ngột; hoặc chuyển tài khoản thanh toán từ tài khoản của doanh nghiệp sang tài khoản của cá nhân…

NH khuyến cáo khách hàng cần xem xét cẩn thận tất cả các email, đặc biệt là các email yêu cầu chuyển khoản có dấu hiệu khác thường. Thực hiện xác minh khi có bất kỳ chỉ dẫn thay đổi về người hưởng, thông tin về tài khoản…

Theo A.Hồng (Tuổi Trẻ)