Kinh tế

Toàn cầu tranh phần, món hàng tỷ USD Việt Nam đối mặt tình huống xấu

Các nước đua nhau tăng nuôi đẩy sản lượng toàn cầu vượt mốc 3 triệu tấn, trong khi xuất khẩu cá tra Việt sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc đang lao dốc. Năm 2022, con cá “tỷ đô” của nước ta dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.

Hết “mắc cạn” lại khó trăm bề

Khép lại năm 2021 đầy sóng gió, xuất khẩu cá tra của cả nước đạt khoảng 1,54 tỷ USD, tăng nhẹ so năm 2020, giữ vững ngôi số 1 thế giới cả về sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu.

Thị trường Mỹ chiếm 22% tỷ trọng xuất khẩu, tăng trưởng mạnh nhất. Nhu cầu nhập khẩu cá tra của Mỹ tăng mạnh sau chiến dịch tiêm vắc xin và gói phục hồi kinh tế của quốc gia này. Thị trường Brazil và Mexico có tăng trưởng tích cực, bù đắp sụt giảm tại các thị trường chủ lực như Trung Quốc, châu Âu.

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hoè nhận xét, năm 2020 ngành cá tra “mắc cạn” vì lệnh phong tỏa tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, thì từ quý 3 năm 2021, dịch Covid-19 tại Việt Nam khiến ngành sản xuất, xuất khẩu cá tra khó khăn trăm bề.

Dịch Covid lần thứ 4 bùng phát khiến chuỗi sản xuất đứt gãy. Toàn bộ chi phí đầu vào chi phí thức ăn, bao bì, phụ gia,... và chi phí chế biến “ba tại chỗ” làm tăng đáng kể giá thành nuôi trồng và chế biến. Chi phí cước tàu tăng 8-10 lần, ông dẫn chứng.

Toàn cầu tranh phần, món hàng tỷ USD Việt Nam đối mặt tình huống xấu
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc sụt giảm mạnh năm 2021 (ảnh: NNVN)

Theo ông Hoè, dù các DN đã sẵn tâm thế sống chung với dịch, nhưng nhu cầu thị trường xuất khẩu khó tăng trưởng mạnh, cộng với dịch bệnh khiến việc duy trì sự tăng trưởng dương trong cả năm 2022 là điều không hề dễ dàng với các DN.

Thị trường Trung Quốc được dự báo vẫn giữ vững vị trí số 1 về nhập khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2022. Tuy nhiên, thị trường sẽ vẫn bị tác động từ những yếu tố cũ trong năm 2021, như chính sách “Zero Covid” khiến các địa phương ngày càng siết chặt việc kiểm soát hàng nhập khẩu cả biên mậu lẫn chính ngạch.

Các nhà hàng Trung Quốc cũng không còn hồ hởi tiếp nhận cá tra như giai đoạn trước mà chuyển sang xem xét, thay cá tra với các lựa chọn cá nội địa tại Trung Quốc.

Trong khi đó, thị trường 1,4 tỷ dân này cũng sắp mở cửa cho con cá tra của Campuchia. Điều đó cũng đồng nghĩa, con cá “tỷ đô” của Việt Nam sẽ có thêm đối thủ cạnh tranh.

Thực tế, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt sang thị trường Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021 giảm 22%, chỉ đạt 376 triệu USD.

Còn với thị trường EU, theo bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm VASEPPRO, mức tăng trưởng vẫn không khởi sắc từ khi có dịch Covid-19 nên rất khó kỳ vọng đạt mức tăng cao trong năm 2022.

Bên cạnh đó, nhiều thị trường không chịu nỗi mức giá tăng của cá tra do áp lực cước vận chuyển tăng vọt gấp 10 lần. Định kiến cá tra là loại cá thịt trắng rẻ tiền làm người tiêu dùng không dễ dàng móc hầu bao để trả cho mức gia tăng giá bán. Ngay cả Anh, thị trường có sự tăng trưởng mạnh mẽ năm 2020, cũng sụt giảm 23% trong năm 2021 nên cần có thời gian để rà soát nhu cầu của thị trường.

Chưa kể, nhiều nước đang đẩy mạnh nuôi cá tra, sản lượng toàn cầu năm 2022 sẽ vượt mốc 3 triệu tấn. Như vậy, con cá tra Việt Nam sẽ gặp nhiều đối thủ cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.

Cửa sáng tại các thị trường nhỏ

VASEP dự báo, năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ mang về kim ngạch 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021. Để hoàn thành mục tiêu này, ông Trương Đình Hoè cho rằng, việc phát triển cá tra đòi hỏi linh hoạt để đối phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19, duy trì sản xuất; tập trung nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường. 

Toàn cầu tranh phần, món hàng tỷ USD Việt Nam đối mặt tình huống xấu - 1
Năm 2022, xuất khẩu cá tra được kỳ vọng tăng trưởng tại những thị trường nhỏ

Áp lực từ việc tăng giá cước tàu một cách phi lý thời gian qua và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt đang tạo áp lực rất lớn cho xuất khẩu thủy sản, trong đó có cá tra. VASEP kiến nghị Chính phủ quan tâm, có sự can thiệp sâu và hiệu quả hơn nữa đến vấn đề cước phí vận tải quốc tế để tránh đứt gãy xuất khẩu, giúp DN chủ động hơn trong năm 2022.

Còn về thị trường xuất khẩu, Mexico, Brazil, Colombia, Nga và Ai Cập là các thị trường đầy tiềm năng, kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và có thể bù đắp phần nào cho sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc và châu Âu.

Năm 2021, xuất khẩu cá tra sang các thị trường này đều tăng trưởng hai con số, từ 44-84%, tổng thị phần của 5 thị trường này chiếm đến 16,3% về kim ngạch xuất khẩu của ngành cá tra trong 11 tháng năm 2021. Thế nên, các DN chế biến và xuất khẩu cần tận dụng tốt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu.

Đồng quan điểm, bà Lê Hằng cũng lưu ý, khi các thị trường lớn đang dẫn “bão hoà” và có xu hướng sụt giảm thì vai trò của các thị trường nhỏ khác sẽ ngày càng quan trọng, trong đó có Brazil, Mexico, Colombia, Anh...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị tiếp tục mở cửa thị trường đối với ngành cá tra, đa dạng hoá sản phẩm theo hướng tiện lợi cho người tiêu dùng.

Ông cũng nhấn mạnh, ngoài thị trường xuất khẩu cũng cần chú ý tới thị trường nội địa. Bởi thực tế thời gian qua, khi xuất khẩu bị đình trệ thì thị trường nội địa được xem là “cứu cánh” của con ca tra. Song, ông cũng lưu ý, phải đẩy mạnh bán theo hình thức thương mại điện tử.

Theo Tâm An (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/xuat-khau-ca-tra-cua-viet-nam-doi-mat-tinh-huong-xau-806454.html