Kinh tế

'Tố' Grab lách luật, Hiệp hội Taxi TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT giữ lập trường

Hiệp hội Taxi TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các đơn vị liên quan kiến nghị giữ nguyên những quy định trong bản dự thảo thay thế Nghị định 86 lần thứ 8.

'Tố' Grab lách luật, Hiệp hội Taxi TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT giữ lập trường
Cuộc "so găng" giữa taxi công nghệ - taxi truyền thống vẫn chưa có hồi kết NGỌC DƯƠNG

Theo đó, Hiệp hội Taxi TP.HCM đánh giá sau nhiều lần góp ý, chỉnh sửa, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ đã tập hợp khá đầy đủ nội dung góp ý của các bộ, ngành, hiệp hôi vận tải, hiệp hội taxi... nên các định nghĩa, quy định trong dự thảo đã đầy đủ và sát thực tiễn. Dự thảo cũng có tính công bằng cao, tạo được khung pháp lý và hành lang pháp lý để các loại hình kinh doanh vận tải có cơ hội cạnh tranh lành mạnh, cùng tồn tại, phát triển.

Hiệp hội Taxi TP.HCM bày tỏ đồng tình với các quy định trong dự thảo Nghị định với việc phải xác định các công đoạn của quy trình kinh doanh vận tải, trong đó các công đoạn thể hiện bản chất của kinh doanh vận tải đó là quyền điều xe, lái xe; quyền quyết định giá cước, và cho rằng "Qua gần 4 năm thí điểm theo quyết định 24 của Bộ GTVT, có đủ cơ sở khẳng định loại hình kinh doanh mà Grab đang điều hành chính là taxi và phải quản lý như taxi" - văn bản nêu rõ.

Về đề xuất bỏ các điều kiện kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô như bỏ quy định về hộp đèn trên nóc xe; bỏ bớt những thông tin không cần thiết trong hợp đồng điện tử như mã số thuế, thông tin về doanh nghiệp, người lái xe, phương tiện, quy định rõ ràng hơn về các khái niệm "trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe" hoặc "quyết định giá cước vận tải"... mà phía Grab đã đề xuất trong văn bản góp ý về dự thảo Nghị định 86 gửi Bộ GTVT mới đây, Hiệp hội Taxi TP.HCM nhận định là trái thực tế, trái pháp luật, muốn hạ thấp vai trò quản lý của nhà nước đối với lĩnh vực vận tải. Việc Grab muốn gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh vận tải để dễ dàng lách luật, né tránh sự kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng như thanh tra giao thông, CSGT..., né tránh nghĩa vụ xã hội với người lao động và giảm nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Trong khi đây là lĩnh vực liên quan đến tính mạng con người, thậm chí là tính mạng nhiều người.

Cũng theo đơn vị này, hộp đèn nóc là dấu hiệu cơ bản để nhận biết phương tiện có chức năng vận chuyển hành khách với các phương tiện khác, giúp công tác kiểm tra giám sát của lực lượng chức năng được thuận lợi và người tham gia giao thông dễ nhận biết. Hộp đèn còn có ý nghĩa minh bạch, văn minh trong kinh doanh vận tải, công bằng về điều kiện kinh doanh. Luận điểm của Grab cho rằng, hộp đèn chỉ dành cho các xe có khách vẫy trên đường là không chuẩn xác.

Trước quan điểm luật đã quy định dán phù hiệu, phần mềm đã có thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên hệ cho nên không cần hộp đèn, Hiệp hội Taxi TP.HCM cho rằng, xe kinh doanh có bản chất giống nhau, điều kiện kinh doanh giống nhau. Còn các thông tin về lái xe, số điện thoại, điểm đi, điểm đến, tiền cước thì cả xe taxi cũng quy định phải thực hiện và thể hiện qua hóa đơn gửi cho khách. Đối với các hãng taxi đang sử dụng phần mềm giống Grab hiện cũng phải có đèn nóc, nên không có lý do gì xe chạy Grab lại không.

Từ những phân tích trên, Hiệp hội Taxi TP.HCM kiến nghị giữ nguyên quy định xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải chở khách đều phải có hộp đèn trên nóc, bất luận đó là taxi hay sử dụng hợp đồng điện tử.

Trước đó, trong văn bản góp ý về dự thảo Nghị định 86 gửi Bộ GTVT, đại diện công ty TNHH Grab cho rằng quy định "nếu doanh nghiệp thực hiện một trong hai công đoạn: “trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe” hoặc “quyết định giá cước vận tải”, thì sẽ được coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô" tại dự thảo là không hợp lý, sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc áp dụng các quy định và đề nghị bổ sung các công đoạn đặc trưng như sử dụng và quản lý xe ô tô, thuê và quản lý người lái xe, điều khiển phương tiện… vào khái niệm kinh doanh vận tải bằng ô tô.

 Bên cạnh đó, Grab cũng đề xuất Bộ bỏ yêu cầu bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe hợp đồng. Đề xuất này nhận được sự đồng tình của giới chuyên gia và khẳng định dù cùng định danh chung là taxi nhưng cũng cần những quy chế riêng để không làm mất đi những điểm ưu việt mà mô hình taxi điện tử đem lại.

Theo Hà Mai (Thanh Niên Online)