Kinh tế

Tiền vẫn chảy vào chứng khoán

Theo các chuyên gia, dòng tiền có thể rút khỏi chứng khoán để chuyển sang gửi tiết kiệm nhưng không đáng kể

Sau thời gian tăng nóng, thị trường chứng khoán đã có những phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử hồi tuần trước. Từ đầu tuần đến nay, thị trường có sự hồi phục đáng kể nhưng VN-Index còn cách mốc 1.200 điểm khá xa, nhiều cổ phiếu cũng chưa lấy lại mức giá ở thời điểm trước khi thị trường điều chỉnh. Nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những người lần đầu chơi chứng khoán (nhà đầu tư F0) vẫn còn lỗ trong đợt giảm lịch sử vừa qua.

Không ít người lo sợ đã bán tháo cổ phiếu để dịch chuyển dòng tiền về kênh gửi tiết kiệm hoặc một số kênh đầu tư khác ít rủi ro hơn. Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng không thể chỉ sau 1-2 ngày, một người mới tham gia chứng khoán có thể hiểu được thị trường như các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm. Phiên giảm kỷ lục trong 20 năm của thị trường chứng khoán ngày 19-1 là sự cảnh báo với các nhà đầu tư F0 và 2 phiên sau đã lặp lại điều này. "Có những người đầu tư một tháng có thể lời 100% và cho rằng kiếm tiền từ chứng khoán quá dễ, tuy nhiên sau những phiên giảm điểm kỷ lục vừa qua thì nhà đầu tư F0 nhận ra thị trường chứng khoán không dễ" - ông Phan Dũng Khánh nói.

Tiền vẫn chảy vào chứng khoán
Theo các chuyên gia, chứng khoán hiện tại vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn với những người có tiền nhàn rỗi.Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trên thực tế, dù lãi suất huy động có xu hướng giảm mạnh trong năm qua nhưng dòng tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng. Trong năm 2020, tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng vẫn đạt khoảng 13%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng 12%.

Chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực phân tích chứng khoán giảm là sự điều chỉnh cần thiết sau những đợt tăng rất mạnh để giảm sức nóng, cũng như giúp thị trường phát triển bền vững hơn. Trong bối cảnh này, dòng tiền nhàn rỗi từ các nhà đầu tư F0 có thể quay trở lại kênh gửi tiết kiệm nhưng chỉ là một phần. "Có xu hướng dịch chuyển dòng tiền đầu tư trong thời gian qua, khi bất động sản khó khăn, vàng kém sôi động, tỉ giá không tăng. Thị trường chứng khoán đang có rủi ro nhưng khó diễn ra hoạt động rút vốn ồ ạt sang gửi tiết kiệm, bởi còn tùy vào từng nhà đầu tư" - TS Cấn Văn Lực phân tích.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng về nguyên tắc những tài sản có độ rủi ro cao thì khả năng đem lại lợi nhuận cũng cao. Chứng khoán là kênh đầu tư có độ rủi ro nhất định khi mức sinh lợi cao hơn gửi tiết kiệm. "Năm 2020, tăng trưởng GDP chỉ ở mức 2,91% nhưng dòng tiền vẫn đổ mạnh vào chứng khoán. Trong khi năm nay nền kinh tế được kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh lên mức 6%-7%, xu hướng nhà đầu tư chọn chứng khoán sẽ tiếp tục diễn ra. Do đó, khó có làn sóng dòng tiền từ chứng khoán ồ ạt trở lại kênh tiết kiệm nhưng bất động sản có thể là một đối thủ cạnh tranh với kênh chứng khoán khi thị trường này hồi phục" - ông Nguyễn Thế Minh phân tích.

Một yếu tố giúp chứng khoán hấp dẫn hơn, theo chuyên gia của Yuanta Việt Nam, là cách tiếp cận từ thị trường cổ phiếu với các nhà đầu tư không còn phức tạp như trước. Tính thanh khoản của thị trường rất cao, việc mua bán dễ dàng hơn, độ cập nhật thông tin, minh bạch thị trường… cải thiện hơn trước rất nhiều. "Mức độ tiếp cận thông tin của nhà đầu tư là như nhau trong bối cảnh công nghệ phát triển và doanh nghiệp chịu áp lực về minh bạch thông tin. Vì vậy, chứng khoán hiện vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hơn trước rất nhiều" - ông Nguyễn Thế Minh nói.

Thực tế cho thấy, trong 2 phiên phục hồi mạnh gần đây, hàng chục ngàn tỉ đồng vẫn tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán. Không chỉ nhà đầu tư trong nước mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng liên tục mua ròng từ tuần trước đến nay, với giá trị lên tới hàng ngàn tỉ đồng mỗi phiên.

Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính, ông Trần Thanh Hải cho rằng một số kênh đầu tư đang hấp dẫn trở lại trong thời gian tới như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…, có thể thu hút dòng tiền nhàn rỗi bên cạnh chứng khoán.

Tiết kiệm vẫn an toàn nhất

Riêng với gửi tiết kiệm, các chuyên gia cho rằng dù lãi suất xuống thấp nhưng đặt trong bối cảnh lạm phát ở mức tương đối thấp nên vẫn là kênh đầu tư an toàn. TS Cấn Văn Lực dẫn chứng, với mức lãi suất tiền gửi 5%-7%/năm kỳ hạn 1 năm, gửi tiết kiệm vẫn là kênh hấp dẫn với nhà đầu tư, nhất là những người thích an toàn, chưa có nhiều kiến thức để sẵn sàng chuyển sang kênh đầu tư rủi ro hơn.

Theo Thái Phương (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/kinh-te/tien-van-chay-vao-chung-khoan-20210203212946867.htm