Kinh tế

Thương hiệu Việt vang bóng một thời: Hành trình trở thành 'thương hiệu quốc dân' của Cao Sao Vàng

Từ khi ra mắt trên thị trường, cao Sao Vàng được mệnh danh là "thương hiệu quốc dân", bên cạnh những cái tên diêm Thống Nhất, giày Thượng Đình, phích Rạng Đông.

Từ năm 1969, sản phẩm cao xoa thương hiệu Sao Vàng chính thức ra mắt, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Trong thời chiến, thuốc men cực kỳ thiếu thốn, hộp dầu cao Sao vàng dùng để chữa khá nhiều bệnh và hiệu quả không ngờ. Từ nhức đầu, sổ mũi, say nắng, ho cho đến bôi ngoài những vết thương bầm tím tụ máu, côn trùng cắn đều thấy hiệu nghiệm.

Thương hiệu Việt vang bóng một thời (kỳ II): Hành trình trở thành "thương hiệu quốc dân" của Cao Sao Vàng - Ảnh 1.

Cao Sao Vàng lúc ấy đã trở thành vật dụng quen thuộc có mặt trong tất cả mọi gia đình. Lúc đó, vỏ hộp bằng nhôm được chế tạo thô sơ rất khó mở, người lớn dạy trẻ con mở bằng cách thả rơi nó xuống nền gạch nhiều lần. Với ưu điểm nhỏ gọn, người ta dễ dàng mang đi bất cứ nơi đâu. Một ưu điểm nữa là chất dầu trong hộp đặc hơn dầu nhập ngoại, dùng được khá lâu và trời nóng không bị chảy.

Những năm 1970-1990, Cao Sao Vàng đã trở thành sản phẩm không thể thiếu trong các gia đình Việt. Đây cũng là sản phẩm bỏ túi của nhiều người trong các chuyến đi xa, cán bộ công nhân viên, sinh viên đi công tác nước ngoài, và còn khá nổi tiếng tại Liên Xô, Đông Âu.

Thương hiệu Việt vang bóng một thời (kỳ II): Hành trình trở thành "thương hiệu quốc dân" của Cao Sao Vàng - Ảnh 2.

Theo báo Thanh Niên, sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Việt Nam đạt thỏa thuận hợp tác về xuất khẩu sản phẩm Cao Sao Vàng sang Liên Xô. Tổng Công ty Dược đã giao cho 5 xí nghiệp dược phẩm cùng sản xuất mặt hàng này. Đỉnh cao vào năm 1983, một xí nghiệp tại Đà Nẵng được giao sản xuất lên tới 20 triệu hộp, trong khi trung bình khoảng 10 - 15 triệu hộp.

Ông Bùi Xuân Hưởng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương 3 cho biết trong bài phỏng vấn với báo Thanh Niên rằng Cao Sao Vàng thuộc sở hữu của Tổng công ty xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam, trực thuộc Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương). Đây là đơn vị được quyền xuất khẩu các mặt hàng đi các nước sớm nhất trong ngành ngoại thương nước ta, có năm kim ngạch xuất nhập khẩu lên 800 - 900 triệu USD.

Thương hiệu Việt vang bóng một thời (kỳ II): Hành trình trở thành "thương hiệu quốc dân" của Cao Sao Vàng - Ảnh 3.

"Thời đó, sản phẩm làm ra chủ yếu xuất khẩu để thu ngoại tệ, thị trường nội địa rất ít có sản phẩm này. Chúng tôi là nhân viên công ty nhưng chỉ được sở hữu cao Sao Vàng khi công ty tặng vào những dịp lễ tết vài hộp", ông Hưởng cho biết thêm.

Tuy nhiên, sau khi hợp đồng với Liên Xô kết thúc, sản lượng Cao Sao Vàng lại sụt giảm đáng kể. Đồng thời, xu hướng dầu mới xuất hiện, thị phần của dầu cù là bị thu hẹp dần. Các loại dầu ngoại như dầu xanh của Singapore, dầu con hổ của Trung Quốc, dầu khuynh diệp, dầu gió Nhị Thiên Đường... được nhiều người ưa chuộng hơn.

Thương hiệu Việt vang bóng một thời (kỳ II): Hành trình trở thành "thương hiệu quốc dân" của Cao Sao Vàng - Ảnh 4.

Cao Sao Vàng mất dần thị phần, buộc phải dần thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng. Đến năm 1986 chỉ còn chỉ tiêu sản xuất 4 triệu hộp và cho đến những năm 2000, sản phẩm dần mờ nhạt ở thị trường nội địa và bị lấn át bởi vô số các loại dầu khác.

Đến nay, thương hiệu cao Sao Vàng gần như vắng bóng trong thị trường nội địa.

Theo Như Ca (Giadinh.net.vn)




https://giadinh.net.vn/thuong-hieu-viet-vang-bong-mot-thoi-ky-ii-hanh-trinh-tro-thanh-thuong-hieu-quoc-dan-cua-cao-sao-vang-172211013172352685.htm