Kinh tế

Thương hiệu bia 130 năm tuổi đời lao đao, dự lãi thấp kỷ lục

Dưới tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và Nghị định 100, sản lượng tiêu thụ của Bia Hà Nội sụt giảm mạnh, Dự kiến lợi nhuận năm 2021 sẽ giảm sâu chưa từng có.

Lợi nhuận dụ kiến xuống thấp kỷ lục

Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, trong đó ghi nhận kế hoạch kinh doanh giảm so với năm 2020 và tiếp tục thoái vốn tại công ty thành viên thua lỗ.

Cụ thể, ban lãnh đạo Habeco cho rằng, dưới tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và Nghị định 100, sản lượng tiêu thụ của Habeco sụt giảm lớn so với năm 2019. Đặc biệt, khu vực miền Bắc, Bắc Trung Bộ (thị trường chính của Habeco), lượng bia được tiêu thụ có sự sụt giảm mạnh hơn so với các khu vực khác trên cả nước.

Bên cạnh đó, các thương hiệu bia thuộc Habeco đang chịu sức ép cạnh tranh gay gắt với hàng loạt sản phẩm cùng phân khúc của các đối thủ. Dù vậy, ban lãnh đạo Habeco vẫn tự tin giữ vị trí là nhà sản xuất dẫn đầu tại khu vực nói trên.

Cụ thể, sau thời gian giãn cách xã hội trong quý I và đầu quý II/2020, Habeco đã có sự phục hồi phục hồi mạnh mẽ trong 3 tháng liên tiếp vào mùa hè và hết năm 2020. Công ty ghi nhận đạt mực 38,5% thị phần về sản lượng.

Kết quả năm 2020, tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu của Habeco đạt 309,9 triệu lít, trong đó 307,8 triệu lít là bia các loại.

Doanh thu tiêu thụ của Habeco (đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt) đạt 5.894 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 625 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch 52,2%.

Tuy lợi nhuận sau thuế năm 2020 vượt kế hoạch nhưng trước những khó khăn về thị trường chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự cạnh tranh gay gắt của các hãng bia đối thủ, ban lãnh đạo Công ty đánh giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh.

Vì vậy, ông chủ hãng bia có tuổi đời hơn 130 năm (nhà máy đầu tiên được xây dựng từ năm 1890) đặt chỉ tiêu năm 2021 tiêu thụ 280 triệu lít các sản phẩm chủ yếu, giảm gần 30 triệu lít so với năm 2020. Với sản lượng tiêu thụ kể trên, Habeco ước tính doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính sẽ đạt 5.392 tỷ đồng cả năm, giảm 8% so với năm 2020.

Ban lãnh đạo Bia Hà Nội ước tính lợi nhuận trước và sau thuế thu nhập doanh nghiệp cả năm 2021 của công ty sẽ chỉ đạt lần lượt 319 tỷ đồng và 255 tỷ đồng, giảm gần 60% so với năm 2020.

Tuy kế hoạch 2021 đặt ra các chỉ tiêu giảm mạnh so với mức thực hiện năm 2020 nhưng Công ty vẫn đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vị thế số 1 thị phần tiêu thụ bia tại thị trường miền Bắc và miền Trung.

Thương hiệu bia 130 năm tuổi đời lao đao, dự lãi thấp kỷ lục
Kế hoạch năm 2021, Habeco dự kiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 255 tỷ đồng, giảm 60% so với năm 2020 và cũng là mức lợi nhuận thấp kỷ lục ra kể từ năm 2008 đến nay.

Tiếp tục kế hoạch thoái vốn khỏi Vodka Hà Nội

Cũng trong tài liệu họp Đại đồng cổ đông thường niên 2021, lãnh đạo Habeco cho biết tình hình thực hiện thoái vốn tại công ty thành viên có kết quả kinh doanh thua lỗ và thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Cụ thể, với kết quả kinh doanh thua lỗ, tình hình tài chính của Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico) đang tiềm ẩn rủi ro cao.

Từ năm 2018, Habeco đã tiến hành các công việc cần thiết để thoái toàn bộ phần vốn tại Halico -chủ thương hiệu Vodka Hà Nội và mong muốn được thực hiện chào bán cổ phần tại Halico cho các nhà đầu tư khác.

Đồng thời, công ty này đã xây dựng phương thức thoái vốn, tuy nhiên các phương thức đều đang gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc.

Nguyên nhân do kết quả kinh doanh thua lỗ, Halico không đáp ứng được các điều kiện về chào bán theo phương thức đấu giá công khai theo quy định tại Luật chứng khoán, đồng thời, biên độ giá giao dịch và tính thanh khoản của cổ phiếu này trên thị trường ở mức rất thấp.

Do đó, Habeco chưa thể thực hiện được việc chào bán thông qua hình thức giao dịch khớp lệnh trên sàn và đang phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng phương án thoái vốn, cập nhật tiến độ cũng như vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện để báo cáo, đề xuất ý kiến chỉ đạo của Bộ Công thương- đơn vị nắm 81,79% vốn của Habeco.

Còn về việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Habeco đang gặp khó khăn, vướng trong việc thoái vốn khỏi 5 công ty hoạt động ngoài ngành bao gồm công ty cổ phần Harec Đầu tư và Thương mại; công ty cổ phần bất động sản Lilama và công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Habeco; trường đại học Công nghiệp Vinh; công ty cổ phần sành sứ thủy tinh Việt Nam.

Theo PV (Nguoiduatin.vn)