Kinh tế

Thuế tăng tới 4.000 đồng/lít: Giá xăng tăng cao, dân gánh chịu hết

Video: 5 điều cần biết việc đề xuất khai tử xăng A95

Bộ Tài chính cho rằng đa số ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cũng như nhiều mặt hàng khác. Vậy, những đơn vị nào đồng tình với Bộ Tài chính?

Thực tế, nhiều ý kiến khá băn khoăn trước việc nâng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Đơn vị nào đồng ý với Bộ Tài chính?

Bộ Tài chính cho hay, sau một thời gian lấy ý kiến về đề xuất này đã nhận được 77 ý kiến tham gia, trong đó 19 ý kiến của các Bộ, ngành; 43 ý kiến của các địa phương; 5 ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác.

Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị quyết (47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn). Một số ý kiến về câu chữ, kỹ thuật soạn thảo đã được Bộ Tài chính hoàn chỉnh tại hồ sơ dự án Nghị quyết.

Thuế tăng tới 4.000 đồng/lít: Giá xăng tăng cao, dân gánh chịu hết
Xăng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số thu thuế bảo vệ môi trường.

Thực tế, nhiều cơ quan khác như Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ,... đồng ý hoàn toàn với ý kiến Bộ Tài chính. UBND các tỉnh như Quảng Bình, Điện Biên, Bình Thuận, Bạc Liêu,Tây Ninh, Cao Bằng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu,... cũng bày tỏ đồng tình với phương án tăng thuế Bộ này đưa ra. Cục Thuế, Sở Tài chính của nhiều tỉnh thành cũng đồng tình với đề xuất trên.

Song nhiều ý kiến của các bộ ngành khác thể hiện nhiều mối băn khoăn khi góp ý cho đề xuất tăng thuế môi trường của Bộ Tài chính.

Viện dẫn Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH 12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Việc đề xuất tăng mức thuế bảo vệ môi trường không chỉ trên cơ sở đánh giá sự phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội đã được Quốc hội thông qua trong giai đoạn 2016-2020 mà phải xác định được mức độ gây tác động xấu đến môi trường của từng loại sản phẩm, hàng hóa làm cơ sở đề xuất mức thuế cụ thể.

Do vậy, Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ Tài chính đánh giá, lượng hóa mức độ gây tác động xấu đến môi trường của từng sản phẩm, hàng hóa cụ thể thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa chịu thuế để làm cơ sở đề xuất mức điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường.

Bộ KH-ĐT cho rằng cần lượng hóa tác động tích cực lẫn tiêu cực của việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đời sống người dân, cũng như so sánh lượng hóa giữa tác động của việc điều chỉnh tới các mục tiêu phát triển kinh tế so với hiệu quả bảo vệ môi trường có thể đạt được.

Thẩm định đề xuất này của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nhận xét, về mặt pháp lý việc điều chỉnh tăng mức thuế lên bằng mức trần của Biểu khung thuế là phù hợp quy định.

Tuy nhiên. Bộ Tư pháp lo ngại việc tăng thuế đối với nhóm hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn có tác động lớn đối với đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt là hoạt động kinh doanh vận tải và một số ngành sản xuất.

Bộ Tư pháp dẫn chứng: Đối với dầu mazut cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít, hiện ngành sản xuất điện sử dụng một lượng lớn dầu mazut nên việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán điện.

Cho nên, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính bổ sung thuyết minh làm rõ việc tăng thuế này có tác động như thế nào đến từng ngành sản xuất cũng như hoạt động sản xuất điện và hoạt động kinh doanh vận tải để đảm bảo tính khả thi.

Thuế tăng tới 4.000 đồng/lít: Giá xăng tăng cao, dân gánh chịu hết - 1
Mức thu - chi thuế bảo vệ môi trường

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lưu ý: Dầu mazut là nhiên liệu đầu vào chủ yếu của các nhà máy điện, sản xuất kính, gốm sứ,... do đó, việc tăng từ 900 đồng lên 2.000 đồng/kg là quá cao so với các nhiên liệu khác trong đợt điều chỉnh này. Tập đoàn Xăng dầu kiến nghị chỉ nên tăng từ 900 đồng lên 1.500 đồng/kg để đảm bảo không ảnh hưởng đến giá thành các sản phẩm sử dụng nhiên liệu mazut.

Tập đoàn này cũng kiến nghị thuế bảo vệ môi trường với xăng, diesel mức IV thấp hơn mức thuế với xăng, diesel dưới mức IV tối thiểu 100 đồng/lít.

Lo tác động chi phí vận tải

Còn Bộ Giao thông Vận tải góp ý: Việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tác động đến chi phí vận tải. Chính phủ đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải hoạt động, đặc biệt là các giải pháp nhằm giảm chi phí vận tải logistics. Do đó, việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu đề nghị cũng cần có lộ trình điều chỉnh hợp lý.

Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu kỹ đánh giá tác động về mặt kinh tế của chính sách này.

Dù ủng hộ cơ cấu lại các khoản thuế nội địa để đảm bảo thu ngân sách, nhưng Bộ Công Thương cũng cho hay việc tăng thuế xăng dầu “cần được xem xét, tính toán cẩn trọng”. Lý do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Việc điều chỉnh thuế cũng cần được cân nhắc trong bối cảnh đang khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học thay thế các loại xăng không chì, đồng thời bảo đảm giá xăng dầu trong nước không biến động lớn, gây ảnh hưởng đến thị trường và người tiêu dùng”, Bộ Công Thương lưu ý.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam thì cho rằng, không nên tăng thuế bảo vệ môi trường ngay trong năm 2018 mà nên có lộ trình tăng dần đến năm 2020.

Theo Lương Bằng (VietNamNet)