Kinh tế

Thu hơn 2.100 tỷ đồng trong tháng 8 nhờ bán vốn Nhà nước

Riêng phiên IPO đình đám tại Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) dù chỉ bán hết 89% cổ phần chào bán nhưng đã mang về cho Nhà nước 2.136 tỷ đồng.

Riêng phiên IPO đình đám tại Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) dù chỉ bán hết 89% cổ phần chào bán nhưng đã mang về cho Nhà nước 2.136 tỷ đồng.
 
Nhiều thương vụ bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ tiếp tục được tiến hành trong tháng 9/2016

Trong tháng 8/2016 có hai phiên đấu giá nhằm bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp gây chú ý đó là phiên IPO Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) và phiên thoái vốn Nhà nước tại CTCP Phát triển Khoáng sản.

Báo cáo của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, phiên IPO đã bán hết 89% và phiên đấu giá thoái vốn đã bán hết 100% số cổ phần đưa ra đấu giá.

Tổng khối lượng cổ phần đưa ra đấu giá trong 2 phiên này đạt hơn 167,4 triệu cổ phần, tăng 255% so với tháng 7, đặc biệt, phiên IPO VEAM là phiên có giá trị cổ phần đấu giá lớn nhất từ đầu năm đến nay.

HNX cũng đã nhận được 246 lượt đăng ký tham dự từ các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân (trong đó 240 nhà đầu tư tham dự IPO VEAM). Các nhà đầu tư đã đặt mua với tổng khối lượng đạt 151,6 triệu cổ phần, bằng 91% so với khối lượng chào bán.

Kết quả, đã có 149,8 triệu cổ phần trúng giá (tương đương 89% tổng khối lượng chào bán), thu về cho Nhà nước hơn 2.142 tỷ đồng, cao hơn 2,37 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Trung bình một phiên, tổng giá trị cổ phần thu về đạt trên 1.000 tỷ đồng, gấp 10 lần so với tháng 6.

Riêng phiên đấu giá cổ phần để thoái vốn Nhà nước tại CTCP Phát triển Khoáng sản đã bán hết 100% số cổ phần chào bán, huy động được 6,48 tỷ đồng. Phiên IPO của VEAM cũng bán được gần 90% số cổ phần chào bán, huy động được hơn 2.136 tỷ đồng.

Theo kế hoạch đấu giá được công bố tại thời điểm ngày 31/8/2016, trong tháng 9 sẽ có 4 công ty tổ chức đấu giá tại HNX, bao gồm CTCP Công nghệ và Truyền hình vào ngày 5/9; Công ty TNHH MDF Vinafor - Tân An Hòa Bình vào ngày 7/9; CTCP Đầu tư Gang thép Lào Cai vào ngày 12/9 và Công ty TNHH Nhà nước MTV Đầu tư và du lịch Huế vào ngày16/9.

Mới đây, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp bàn riêng về chủ trương tiếp tục bán vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn. Kết luận tại cuộc họp này, Thủ tướng nêu rõ, trong công tác thoái vốn Nhà nước phải tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, theo thông lệ thị trường và bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước.

Riêng tại hai doanh nghiệp là Sabeco và Habeco, trước khi bán vốn Nhà nước, hai doanh nghiệp này sẽ phải niêm yết trên thị trường chứng khoán. Theo đại diện Bộ Công Thương, dự kiến trong năm 2016 này, với việc thoái toàn bộ Nhà nước khởi Habeco và thoái vốn đợt 1 tại Sabeco, Nhà nước sẽ thu về trên 30.000 tỷ đồng.

Theo Bích Diệp (Dân Trí)