Kinh tế

Thú chơi quý tộc và những chiêu trò thổi giá trong nghệ thuật ấm tử sa

Là một trong tứ quốc bảo của Trung Quốc, nghệ thuật ấm tử sa mê hoặc giới trà nhân bằng những câu chuyện đã trở thành huyền thoại. Hiện nay, sưu tầm, chơi ấm tử sa đang trở thành thú chơi đắt đỏ. Đánh trúng tâm lý “chịu chơi” của khách hàng, người bán ấm tung ra vô số chiêu trò khiến người mua lâm cảnh tiền thật mua hàng giả thậm chí bỏ tiền rước bệnh vào thân.

Thú chơi quý tộc

Vượt qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử, đến nay, ấm trà tử sa được xem là một trong 4 quốc bảo của Trung Quốc bên cạnh Kinh kịch, quốc họa thủy mặc, lụa Tô Châu. Từ đây, thú chơi ấm tử sa rộ lên nhanh chóng. Hơn thế, việc ấm tử sa được thế giới công nhận là loại ấm pha trà ngon nhất, tốt nhất khiến loại trà cụ này ngày càng được ưa chuộng. Vượt khỏi biên giới Trung Quốc, ấm tử sa trở thành thú chơi rộng rãi của giới trà nhân thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Tại nước ta, thú chơi ấm tử sa xuất hiện từ lâu và ngày càng được nhiều người mê đắm. Bằng chứng là hiện nay, tại hầu hết các tỉnh, thành đều xuất hiện các cửa hàng kinh doanh loại ấm đắt đỏ này. Ngoài giới kinh doanh, ấm tử sa cũng trở thành niềm đam mê đắt đỏ, thú chơi quý tộc của không ít cá nhân, nhà sưu tầm có tiếng. Tại TP.HCM hầu như mỗi danh trà đều giới thiệu và kinh doanh loại trà cụ này. Thậm chí, có nhiều cửa hàng chuyên cung cấp ấm tử sa cho trà nhân với nhiều mức giá khiến “người ngoại đạo” phải giật mình.

Thú chơi quý tộc và những chiêu trò thổi giá trong nghệ thuật ấm tử sa
Hiện nay, sở hữu, sưu tầm, nghiên cứu ấm tử sa trở thành thú chơi được giới trà hữu ưa chuộng.

Tham khảo tại cửa hàng M.D.T. (quận 3, TP.HCM), PV Người Đưa Tin Pháp Luật ghi nhận, ấm tử sa có nhiều mức giá từ gần 200 ngàn đến nửa triệu đồng. Trao đổi với PV, nhân viên tại đây cho biết, ấm tử sa nổi tiếng với nhiều huyền thoại như: pha trà không cần trà, lưu trà 5 ngày không hỏng, càng dùng càng đẹp, giữ, phát huy những thành phần hóa học tốt cho sức khỏe của lá trà… Loại ấm này được tạo tác bởi các nghệ nhân Trung Quốc bằng một loại khoáng chất chỉ có duy nhất ở vùng đất Nghi Hưng.

“Ấm tử sa được làm từ hóa thạch non ở vùng núi Hoàng Long Sơn thuộc Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ngoài nơi đây, không ở đâu trên thế giới có loại khoáng này. Người ta tính toán có đến 300 loại khoáng với đặc tính, độ hiếm khác nhau. Chúng được quy định rõ trong sách. Các loại khoáng khác nhau sẽ cho ra màu ấm khác nhau, phù hợp với những loại trà khác nhau. Do đó, ấm tử sa thường có giá đắt gấp nhiều lần loại ấm làm bằng chất liệu khác”, nhân viên này cho biết. Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, ngoài việc phát huy hết tất cả tinh túy của các loại trà, ấm tử sa còn mang trong mình cả một nền văn hóa, nghệ thuật thủ công đặc sắc.

Thú chơi quý tộc và những chiêu trò thổi giá trong nghệ thuật ấm tử sa - 1
Ấm tử sa cao cấp có giá đắt đỏ khiến nhiều người giật mình.

"Sập bẫy" gian thương

Nói đến ấm tử sa là nhắc đến loại hình nghệ thuật thủ công mà ở đó, người làm ấm được tôn vinh là những nghệ nhân với các trường phái khác nhau. Những nghệ nhân nổi tiếng chế tác ra các ấm tử sa có hình dáng trở thành kinh điển, được lưu danh trong các bảo tàng. Họ là những Cố Cảnh Chu, Tưởng Dung, Đàm Tuyền Hải, Từ Hán Đường,… Tên tuổi họ đã được thế giới công nhận. Loại trà cụ này cũng mê hoặc giới khoa học khi có nhiều cuộc nghiên cứu đến từ học viện Gốm sứ Thượng Hải, Đài Loan (Trung Quốc) vào các năm 2013, 2017. Những điều này càng khiến thú chơi, sưu tầm ấm tử sa được nâng tầm, giá cả loại ấm trên cũng “nhảy múa” liên tục.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, người yêu trà, giới sưu tầm ấm tử sa không đơn giản xem loại ấm này là một loại trà cụ. Họ xem nó là một thú chơi, niềm đam mê với một loại hình nghệ thuật thủ công đặc sắc. Anh Mai Hải Đăng, một người sưu tập ấm tử sa có tiếng tại Hà Nội cho biết, trước đây, việc có được một cái ấm tử sa rất khó. Tuy nhiên, bây giờ, việc này dễ hơn bao giờ hết vì có nhiều người bán, trên mạng cũng có nhiều hội nhóm trao đổi kinh nghiệm, giao lưu loại ấm này. Song, sự thông thoáng này lại khiến người chơi dễ trở thành nạn nhân của chính niềm đam mê.

Anh Đăng cho biết: “Một khi đã chơi ấm tử sa thì sẽ thấy rất hay và hứng thú. Bởi, đối với tôi, loại ấm này có nhiều câu chuyện thâm cung bí sử như: Bí quyết làm khoáng của mỗi nghệ nhân, các câu chuyện về nhất xưởng, nhị xưởng… Qua ấm, chúng ta có thể hiểu hơn về nghề thủ công đặc sắc đã trở thành quốc bảo của Trung Quốc để rồi đam mê, dốc tiền mua ấm. Do đó, đây cũng là cơ hội cho người bán tung ra vô số chiêu trò để móc hầu bao của khách. Nếu không thực sự am hiểu, trải nghiệm, va chạm, người chơi rất dễ rơi vào cảnh đem tiền thật mua hàng giả”.

Thú chơi quý tộc và những chiêu trò thổi giá trong nghệ thuật ấm tử sa - 2
Không có kinh nghiệm, người chơi dễ dàng rơi vào vô số những bẫy lừa của người bán.

Theo anh, hiện nay, một trong những chiêu trò thường được người bán sử dụng nhất để đánh bẫy trà nhân đam mê ấm tử sa là thổi giá. “Người bán thổi giá rất nhiều. Ấm chợ thổi theo kiểu ấm chợ, ấm cao thổi theo kiểu ấm cao. Những ấm được một số cửa hàng bán với giá trên 1 triệu đồng, tôi mua bên Trung Quốc không đến 100 tệ (khoảng 332.200 đồng). Ấm này được gọi là ấm chợ hay còn gọi là ấm rác. Chúng được tạo nên từ bùn đất, có bột hóa chất chứ không phải từ khoáng. Ở Trung Quốc chúng được bán từ 40-100 tệ. Về Việt Nam, người ta bán với giá từ 1 triệu đồng trở lên. Câu chuyện ấm cao (ấm chất lượng tốt –PV) còn phức tạp hơn. Ấm bên Trung Quốc chỉ 100 triệu đồng, về nước ta bị thổi giá lên đến 200-500 triệu đồng là điều bình thường”, anh Đăng thông tin thêm.

Cũng theo anh, đối với loại ấm này, người bán thường vin vào các lý do như: Khoáng hiếm, đặt hàng với nghệ nhân nổi tiếng, số lượng có hạn… để thổi giá. Đáng chú ý, nhiều nhà sưu tầm ấm tử sa cho biết, hiện xuất hiện một số loại ấm giá rẻ. Nhìn bằng mắt, người ít kinh nghiệm dễ lầm tưởng và không phân biệt được thật giả. Người bán cho biết, họ trực tiếp nhập khoáng từ Nghi Hưng về tự chế tác nên giá thành cạnh tranh hơn ấm có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà sưu tầm ấm tử sa nhận định, rất khó xảy ra trường hợp này.

Thú chơi quý tộc và những chiêu trò thổi giá trong nghệ thuật ấm tử sa - 3
Theo anh Mai Hải Đăng (áo màu xám), người mua cần có kiến thức căn bản về loại trà cụ này. Ngoài ra, người mua nên đến các cửa hàng kinh doanh ấm tử sa có uy tín.

“Đây là cách lý giải phi lý. Bởi, một nắm đất tử sa nghệ nhân bên Trung Quốc bán cho mình thì được mấy đồng trong khi họ có nghề rồi, chế tác khoáng thành ấm bán tiền triệu, thậm chí trăm triệu đồng. Do đó, thông tin trên hết sức bất hợp lý và hoang đường. Người bán đưa ra thông tin này chỉ để lừa những người ít kinh nghiệm, học đòi chơi ấm. Các ấm giá rẻ đa phần là ấm chợ, ấm rác thậm chí là ấm công nghiệp. Để có thể chọn được ấm tốt, đúng giá trị, người chơi cần phải có hiểu biết căn bản về tử sa và đến các cửa hàng, người bán có uy tín. Tại các cửa hàng này, họ đều đến Nghi Hưng để tuyển chọn ấm tốt từ các nghệ nhân nổi tiếng. Sản phẩm của họ có giấy tờ của người chế tác được cơ quan chức năng nước bạn công nhận”, nhân viên cửa hàng kinh doanh ấm tử sa T.M. tại TP.HCM thông tin.

Dùng ấm tử sa giả, chất lượng kém nguy hại cho sức khỏe

Anh Mai Hải Đăng, nhà sưu tầm ấm tử sa cho biết: “Ấm tử sa chính hiệu được thế giới công nhận trong việc pha trà sẽ cho hương vị thơm ngon, bền lâu và nhiều tác dụng tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu mua nhầm ấm rác, ấm chợ được tạo tác từ bùn, bột hóa chất sẽ làm hỏng hương vị của trà. Nguy hiểm hơn, các loại ấm này còn sinh ra nhiều chất hóa học gây hại cho sức khỏe người dùng”.

Theo Hà Nguyễn (Nguoiduatin.vn)




https://www.nguoiduatin.vn/thu-choi-quy-toc-va-nhung-chieu-tro-thoi-gia-trong-nghe-thuat-am-tu-sa-a486871.html