Kinh tế

Thịt lợn giảm giá mạnh, mấy triệu hộ dân lại lo lắng

Giá lợn hơi xuất chuồng hiện giảm xuống 65.000-75.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ ở mức khá cao. Nếu giá lợn giảm xuống mức thấp hơn nữa thì lại lo ngại mấy triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn.

Không còn mức giá cao chót vót như trước, những ngày đầu tháng 10, giá lợn hơi xuất chuồng tiếp đà giảm mạnh. So với thời điểm đầu tháng 9, giá lợn hơi giảm thêm khoảng 10.000 đồng/kg.

Ông Lộc - đại diện Ban quản lý chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam, cho biết, giá lợn hơi đổ về chợ này hiện giảm còn 65.000-73.000 đồng/kg tùy loại. Theo ông, nguồn cung dồi dào, các doanh nghiệp đẩy mạnh bán thương phẩm ra ngoài thị trường là nguyên nhân khiến giá lợn giảm mạnh như hiện nay. Trung bình mỗi ngày, lượng lợn sống đổ về chợ từ 600-700 con.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hải Hà - thương lái chuyên thu mua lợn về giết mổ ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc) - thừa nhận, không chỉ giá lợn hơi giảm mạnh mà nguồn hàng ngày càng dồi dào.

Thịt lợn giảm giá mạnh, mấy triệu hộ dân lại lo lắng
Nguồn cung dồi dào khiến giá thịt lợn có xu hướng giảm mạnh

Trước kia, mỗi khi đi bắt lợn trong hộ dân rất khó vì hàng khan hiếm, chị Hà phải đặt hàng trước cả nửa tháng khi lợn xuất chuồng. Nay thì rất dễ, nhu cầu bao nhiêu cũng có thể mua được, giá cũng chỉ khoảng 69.000-73.000 đồng/kg. Song tại chợ lượng thịt lợn tiêu thụ tương đối chậm, chị Hà cho hay.

Theo báo cáo của Phòng Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM), so với quý II/2020, lượng thịt lợn về chợ trong quý III/2020 bắt đầu tăng mạnh. Cụ thể, hồi tháng 3, lượng lợn về chợ chỉ khoảng 254 tấn/ngày, còn tháng 9 vừa qua, lượng lợn về chợ đạt khoảng 390 tấn/ngày.

Đại diện chợ đầu mối này cho biết, nguồn cung dồi dào giúp giá thịt lợn giảm, dao động từ 90.000-100.000 đồng/kg thịt lợn mảnh.

Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây, Bộ NN-PTNT cho biết, dịch tả lợn châu Phi ở nước ta về cơ bản đã được kiểm soát, đàn lợn cả nước cả nước dần khôi phục, tốc độ tái đàn, tăng đàn tại các địa phương đang rất tốt, đặc biệt là ở khối doanh nghiệp chăn nuôi khi đàn lợn của họ tăng tới 143%.

Hiện, tổng số lợn tăng khoảng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2019; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt hơn 2.483 nghìn tấn, riêng quý III/2020 ước đạt 846,2 nghìn tấn, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về nhập khẩu, số lượng thịt nhập khẩu (cả lợn sống và thịt lợn đông lạnh) đến nay tương đương 156.000 tấn, chỉ chiếm 4,3% so với sản lượng nhu cầu 3,8 triệu tấn thịt/năm.

Thịt lợn giảm giá mạnh, mấy triệu hộ dân lại lo lắng - 1
Giá thành chăn nuôi nhỏ lẻ ở mức rất cao, nếu giá tiếp tục giảm thì thì hàng triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ gặp khó

Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho hay, nhờ tái đàn, tăng đàn tốt mà nguồn cung thịt lợn ra thị trường ngày càng nhiều, giá lợn hơi theo đó giảm mạnh.

Ông Dương thông tin, ở khu vực miền Bắc, giá lợn hơi xuất chuồng hiện giảm còn 69.000-71.000 đồng/kg, khu vực miền Nam giá dao động từ 73.000-75.000 đồng/kg. Mức giá này so với thời đỉnh điểm đã giảm khoảng 25.000 đồng/kg.

Một số ý kiến cho rằng mức giá này còn cao. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN-TPTN Phùng Đức Tiến phân tích, đến nay dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát, đàn lợn đang dần khôi phục nhưng việc tái đàn vẫn còn chậm.

Giá lợn giống liên tục ở mức cao kể từ đầu năm (khoảng 2,5-3 triệu đồng/con) nên việc tái đàn chủ yếu tập trung ở các cơ sở chăn nuôi lớn và chi phí chăn nuôi cũng cao.

"Đối với chăn nuôi tập trung, chi phí là 50.000 đồng/kg. Giá thành chăn nuôi nhỏ lẻ là 71.000 đồng/kg. Nếu bây giờ đánh tụt giá lợn xuống, mấy triệu hộ chăn nuôi sẽ rất khó khăn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Còn về nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm, ông Tiến nhận định, giữ được đà phục hồi đàn lợn như hiện nay thì quý IV năm nay và dịp Tết Nguyên đán tới thì sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ngành đã, đang và sẽ trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật, tiếp tục chỉ đạo, kiểm soát thực hiện các giải pháp đồng bộ cho việc phòng chống dịch. Đồng thời vẫn tái đàn, tăng đàn an toàn sinh học, duy trì sản xuất để đảm bảo cơ bản đủ nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng.

Theo C.Giang (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/gia-thit-lon-giam-manh-lai-lo-cho-may-trieu-ho-chan-nuoi-nho-le-679549.html