Kinh tế

Thanh toán di động phát triển, 91% người Việt vẫn dùng tiền mặt

Thói quen sử dụng các hình thức thanh toán kỹ thuật số của người Việt đang ngày một phổ biến, nhưng tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chính với tỷ lệ áp đảo.

Báo cáo "Thái độ thanh toán của người tiêu dùng" vừa được Visa công bố cho thấy các hình thức thanh toán phi tiền mặt, đặc biệt là thanh toán kỹ thuật số đang được người Việt hưởng ứng tích cực hơn.

Trong năm 2018, 73% số người tham gia khảo sát của Visa trả lời đang sử dụng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng, tăng 14% so với năm trước. Tỷ lệ có sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số gồm ứng dụng di động, thanh toán không tiếp xúc, thanh toán bằng mã QR lần lượt là 44%, 32% và 19%. Năm 2017, những người được hỏi chưa hề sử dụng các hình thức thanh toán này.

Số lượng và tổng giá trị giao dịch qua thẻ Visa tại Việt Nam trong năm 2018 cũng tăng 25 và 37% so với năm 2017. Đặc biệt, thương mại điện tử là lĩnh vực chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với tổng giá trị giao dịch qua thẻ năm 2018 tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, tiền mặt vẫn là hình thức được ưa chuộng nhất với tỷ lệ người trả lời cho biết đang dùng tiền mặt để thanh toán tăng thêm 20%, từ 71% năm 2017 lên 91% năm 2018.

Thanh toán di động phát triển, 91% người Việt vẫn dùng tiền mặt
Nguồn: Visa.

Dù vậy, báo cáo của Visa cũng tiết lộ người Việt đang có xu hướng mang ít tiền mặt hơn trong ví. 46% người được hỏi trong năm 2018 cho biết đem theo ít tiền trong ví hơn 2 năm trước, tăng 10% so với năm 2017. Ngược lại, tỷ lệ người trả lời mang nhiều tiền hơn hoặc không thay đổi so với cách đây 2 năm đều giảm 5%.

Hai lý do quan trọng nhất tác động đến xu hướng mang ít tiền trong ví hơn của người tiêu dùng Việt theo khảo sát của Visa là người tiêu dùng cảm thấy mang theo nhiều tiền mặt kém an toàn hơn cũng như đang sử dụng thẻ nhiều hơn.

Đánh giá về thị trường thanh toán điện tử hiện nay, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho rằng: "Cần nhìn rộng hơn làm thế nào để các tổ chức phối hợp với nhau chuyển từ hệ sinh thái đóng của mỗi dịch vụ sang hệ sinh thái mở giúp người tiêu dùng hưởng nhiều tiện ích hơn". 

Bà Dung nhấn mạnh mục tiêu của việc mở rộng xã hội số hóa không dùng tiền mặt bên cạnh việc giúp người tiêu dùng thực hiện được thanh toán điện tử còn là câu chuyện làm sao để hệ sinh thái các giải pháp ngày càng mở rộng.

Theo Việt Đức (Tri Thức Trực Tuyến)