Kinh tế

Tăng thuế VAT, tăng người nghèo

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) Đại học Quốc gia Hà Nội, đề xuất Tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) của Bộ Tài chính không làm tăng sản lượng thực của nền kinh tế mà còn làm giảm phúc lợi của tất cả các hộ gia đình, tăng thêm 240.000 người nghèo trên cả nước.

Tăng thuế VAT, tăng người nghèo
Tăng thuế VAT người nghèo sẽ chịu tổn thương nhiều nhất. Ảnh: Như Ý.

Tăng thuế VAT, cả nước có thêm 240.000 người nghèo

Đây là kết quả nghiên cứu của VEPR và Đại học Kinh tế Quốc dân công bố trong báo cáo tại Hội thảo Đánh giá tác động của tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình ngày 28/6.

Theo các chuyên gia thuộc VEPR, tăng thuế luôn là vấn đề gây tranh cãi trong công luận ở mọi quốc gia. Không nằm ngoài quy luật ấy, đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính Việt Nam năm 2017 cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.  

VAT đang là loại thuế đóng góp nhiều nhất vào tổng số thu thuế của Việt Nam. Năm 2006, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) chiếm trên 42% tổng số thu thuế, đến năm 2016, con số này chỉ còn 23%. Ngược lại, năm 2006, tỷ trọng của VAT trong tổng số thu thuế là 23%, đến năm 2016, con số này đã tăng lên gần 1,5 lần, ở mức 33%.

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của Việt Nam có tỷ trọng trong tổng số thu thuế khá khiêm tốn, khoảng 6%. Trong khi, mức trung bình của các nước ASEAN 5 là 11%, con số của các nước thu nhập thấp là 19% và các nước thu nhập cao là 28%. Với các loại thuế gián thu khác (thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu), tỷ trọng của tổng số thu các loại thuế này trên tổng số thu thuế ở Việt Nam năm 2016 là 22%. Các loại thuế tài sản của Việt Nam có tỷ trọng rất khiêm tốn (gần 3% năm 2016).

Bằng việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu định lượng, nhóm nghiên cứu đã tính toán mức độ ảnh hưởng đối với 2 phương án tăng thuế.

Với đề xuất của Bộ Tài chính, tăng thuế VAT thêm 1,2 lần (hàng hoá đang chịu mức thuế 5% lên 6%; thuế 10% tăng lên 12%). Theo nhóm nghiên cứu, tỷ lệ chi tiêu bình quân sẽ giảm đi 0,89%, trong khi tỷ lệ nghèo tăng lên 0,26 phần trăm (tương ứng 240.000 người).

Tăng thuế VAT, tăng người nghèo - 1
Khi tăng thuế VAT, người nghèo sẽ bị thiệt hại về thực tế thu nhập nhiều hơn so với người giàu do thu nhập của họ ít hơn. Ảnh: Như Ý.

Phương án mà nhóm nghiên cứu đưa ra: Áp dụng thuế suất chung 10%. Với phương án này sẽ làm giảm chi tiêu 0,32% và gia tăng hộ nghèo thêm 202.000 người (thấp hơn phương án 1). Các nhóm hộ tiêu dùng nhiều thực phẩm như rau và thịt sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Theo TS Nguyễn Việt Cường, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, tăng VAT tất nhiên ảnh hưởng đến các cá nhân, và phương án tăng 1,2 lần làm chi tiêu giảm mạnh hơn là phương án điều chỉnh thuế VAT cho nhóm mặt hàng từ 5% lên 10%.

“Tác động tăng thuế VAT sẽ rõ rệt đối với các hộ nghèo và cận nghèo, bởi họ sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất. Về phân loại, nhóm yếu thế khi VAT bị tăng là trẻ em, người già, lao động nữ, người làm việc có kỹ năng thấp... sẽ ảnh hưởng nhiều hơn”, ông Cường phân tích.

Ngoài các kịch bản tăng thuế VAT, nghiên cứu cũng mô phỏng hai kịch bản tăng hai loại thuế khác (thuế TNDN và thuế TTĐB). Các kết quả mô phỏng đều cho thấy sản lượng của nền kinh tế đều không được cải thiện.

Trong cả hai kịch bản, tăng thuế suất VAT tác động tiêu cực lên phúc lợi của tất cả các hộ gia đình. Nếu xét theo đặc điểm của hộ, các hộ sẽ bị ảnh hưởng mạnh bao gồm: hộ sống ở khu vực miền Nam, hộ có nhiều thành viên, hộ có trình độ học vấn thấp và hộ có nhiều thành viên trong độ tuổi lao động.

Nên thay đổi cách tính các loại thuế tài sản

Theo nghiên cứu của VEPR, sự dịch chuyển cơ cấu các loại thuế trong giai đoạn 2006-2016 đã làm tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam giảm đáng kể từ năm 2011. Tuy nhiên, chi ngân sách trên GDP vẫn có xu hướng gia tăng nhẹ từ năm 2012. Do vậy, ngân sách của Việt Nam đã phải đối mặt với thâm hụt nặng nề và tình trạng nợ công tăng mạnh.

Từ các nghiên cứu này, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho hay, việc tăng VAT nhìn chung đều ảnh hưởng đến các hộ gia đình, người dân, vì giá cả tăng theo.

Khi tăng thuế VAT, người có thu nhập cao bị ảnh hưởng hơn một chút so với người nghèo. Tuy nhiên, người nghèo sẽ bị thiệt hại về thực tế thu nhập nhiều hơn so với người giàu do thu nhập của họ ít hơn. Và về cơ bản, các hộ ở nông thôn có nhiều thành viên trình độ học vấn chưa cao… chịu ảnh hưởng mạnh hơn do tăng thuế VAT.

Theo ông Thành, việc tăng thuế không làm tăng sản lượng thực của nền kinh tế và làm giảm phúc lợi của tất cả các hộ gia đình. Thậm chí, nếu tiền thuế tăng thêm lại được Chính phủ đưa vào chi thường xuyên mà không chi đầu tư phát triển sẽ làm cho sản lượng thực của nền kinh tế giảm.

“Trong trường hợp Chính phủ vẫn phải tăng thuế để bù đắp cho thâm hụt và giảm nợ công, Chính phủ nên nghĩ đến việc cải cách lại các loại thuế tài sản, do tỷ trọng của loại thuế này trong tổng số thu thuế còn quá khiêm tốn. Ngoài ra, tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng số thu thuế đã ở mức trên 60%, tăng thêm bất cứ một loại thuế tiêu dùng nào cũng sẽ làm gánh nặng thuế của nhóm người có thu nhập thấp đã nặng càng nặng thêm”, nhóm nghiên cứu cho hay.

Theo Viện trưởng VEPR, các đề xuất tăng thuế gần đây luôn bị công luận phản đối rất mạnh. Vì vậy, trước khi tăng thuế Chính phủ phải thuyết phục được người dân về tính hợp lý của các khoản chi tiêu của Chính phủ. Minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách cần được nâng cao hơn và theo kịp với chuẩn mực quốc tế trước khi đưa ra các đề xuất 
tăng thuế.

TS Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế đề nghị chưa tăng VAT trong những năm tới. Theo chuyên gia này, việc đề xuất tăng VAT của Bộ Tài chính chỉ mang lại nguồn thu cho ngân sách. Mặt khác, thực tế sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp còn hạn chế, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương khuyến cáo nên quản lý chặt thuế khoán để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách. Bởi thuế khoán đối với hộ kinh doanh đang thất thu rất lớn.

Theo Tuấn Nguyên (Tiền Phong)