Kinh tế

Tăng thu phí bảo vệ môi trường với hàng vạn điểm rửa xe, nhà hàng

Nhiều ý kiến cho rằng các cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy; nhà hàng, khách sạn chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt như cá nhân, hộ gia đình là không công bằng.

Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất tăng thu phí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở này là 15% tính trên giá bán của 1m3 nước sạch, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Tăng thu phí bảo vệ môi trường với hàng vạn điểm rửa xe, nhà hàng
Cơ sở rửa ôtô có thể chịu phí đối với nước thải sinh hoạt là 15% thay vì 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch. (Ảnh minh hoạ)

Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng phí nước thải tại dự thảo nghị định về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải thay thế Nghị định số 154/2016/NĐ-CP. Theo đó, sau 2 năm triển khai thực hiện, Nghị định 154 đã phát sinh một số vướng mắc, cần nghiên cứu, bổ sung quy định chi tiết hơn về tính phí đối với một số trường hợp.

Theo Bộ Tài chính, về mức phí cố định, tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 154 quy định, cơ sở sản xuất, chế biến có khối lượng nước xả thải dưới 20m3/ngày phải nộp mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm. Qua thực hiện, có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến có quy mô và tính chất hoạt động khác nhau, khối lượng nước thải cũng rất khác nhau, nhất là các cơ sở cơ khí, may mặc... có lượng nước thải ít. Có nhiều cơ sở xả thải dưới 5m3/ngày đêm, trong khi phải nộp cùng mức phí 1,5 triệu đồng/năm như các cơ sở khác là chưa hợp lý.

Ngoài ra, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Song theo Bộ Tài chính, một số địa phương gồm Đà Nẵng, Đồng Nai, An Giang cho rằng quy định cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy; nhà hàng, khách sạn chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt như cá nhân, hộ gia đình là không công bằng. Bởi vì nước thải của những cơ sở này "có mức độ gây ô nhiễm môi trường cao hơn".

Về vấn đề này, Bộ Tài chính nhận định căn cứ vào quy định hiện hành, trường hợp nước thải của cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy; nhà hàng, khách sạn ô nhiễm hơn thì địa phương có thể quyết định mức phí cao hơn.

Tuy nhiên, để thống nhất thực hiện, Bộ Tài chính dự kiến 2 phương án.

Phương án 1: Giữ quy định mức phí như hiện hành, tức là mức phí 10% giá bán 1m3 nước sạch. Trường hợp có mức thu cao hơn thì hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức thu phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Phương án 2: quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Riêng mức phí áp dụng đối với cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy; nhà hàng, khách sạn là 15% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Bộ Tài chính cho hay, tổng số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải thu được năm 2016 là 1.287 tỷ đồng, năm 2017 là 2.102 tỷ đồng, góp phần tăng cường kinh phí cho công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở địa phương.

Bộ Tài chính đánh giá số thu này mới đáp ứng một phần yêu cầu bảo vệ môi trường từ nước thải gây ra (phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường; tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải), mà chưa có nguồn để xử lý nước thải sinh hoạt trước khi xả ra môi trường.

Theo PV (Dân Việt)