-->
Kinh tế

Tân Hiệp Phát cũng không cứu nổi doanh nghiệp từng có giá cổ phiếu cao nhất Việt Nam?

Cú bắt tay của Tân Hiệp Phát và Yeah1 vào năm 2020 từng được kỳ vọng sẽ giúp Yeah1 trèo lên khỏi bờ vực từ sự cố với Youtube và giúp Tân Hiệp Phát tăng doanh số. Nhưng năm nay, cả 2 bên dường như đều không suôn sẻ.

Ngày 12/3/2020, CTCP tập đoàn Yeah1 - doanh nghiệp từng có cổ phiếu ở mức giá cao nhất Việt Nam - đã ký kết hợp tác chiến lược với Tân Hiệp Phát. Trước đó, con gái ông Trần Quí Thanh là Trần Uyên Phương đã chi khoảng 350 tỷ đồng để mua 22% cổ phần của Yeah1 Group và trở thành cổ đông lớn thứ 2 chỉ sau ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - Chủ tịch Yeah1.

Năm trước đó, Yeah1 đang ở đỉnh cao thì rơi xuống vực khi YouTube ngừng thỏa thuận lưu trữ nội dung với đơn vị này từ sau ngày 31/3/2019.

YouTube cho rằng SpringMe - công ty có trụ sở tại Thái Lan mà Yeah1 góp 16,5% cổ phần, hoạt động tuyển lựa kênh trái với quy định của YouTube, khiến Yeah1 Network chịu ảnh hưởng liên đới.

Cuộc thương lượng trong suốt thời gian một tháng không đi đến kết quả gì.

Tân Hiệp Phát cũng không cứu nổi doanh nghiệp từng có giá cổ phiếu cao nhất Việt Nam?
Cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 vừa bị HOSE chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát

Sau đó, Yeah1 đã bán lại 100% cổ phần tại ScaleLab LLC cho các chủ sở hữu trước đây của đơn vị này, công ty cũng cắt giảm đáng kể chi phí khảo sát thị trường liên quan đến các kênh hợp tác với Youtube.

Kết quả kinh doanh của Yeah1 khi kết thúc năm 2019 cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, doanh thu đạt 1.457 tỷ đồng, chỉ bằng 73% kế hoạch đề ra và ghi nhận khoản lỗ 382 tỷ đồng.

Tân Hiệp Phát cũng không cứu nổi doanh nghiệp từng có giá cổ phiếu cao nhất Việt Nam? - 1
Nguồn: BCTC Yeah1

Đến năm 2020, theo báo cáo kiểm toán doanh thu thuần của Yeah1 đạt 1.218,6 tỷ đồng, giảm 16% so với mức thực hiện năm 2019, lỗ lũy kế năm 2020 lên 180 tỷ đồng, mức lỗ này cao hơn 29 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập trước đó.

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - Chủ tịch của Yeah1 thừa nhận, sau biến cố với YouTube, ông có ý định xây dựng một nền tảng mới. Tuy nhiên nguồn lực để thực hiện lại là một thách thức với một công ty được xem là startup như họ và Tân Hiệp Phát có thể là lời giải cho bài toán khó này.

Cái bắt tay này cũng được kỳ vọng sẽ giúp Tân Hiệp Phát tăng doanh số thông qua hệ thống quảng cáo của Yeah1. Đồng thời, việc hợp tác với Tân Hiệp Phát góp phần đưa Yeah1 trở lại guồng quay và trả món nợ "kỳ lân" cho nhà đầu tư.

Trong cơn lao đao của Yeah1, mọi người đều kỳ vọng phía Tân Hiệp Phát sẽ phần nào giúp công ty này vực dậy. Tuy nhiên, chính tập đoàn nước giải khát này cũng gặp chuyện khi mới đây, truyền thông trong nước đồng loạt thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ của "ái nữ" nhà Tân Hiệp Phát xảy ra tại Tp. HCM và Đồng Nai.

Động thái này diễn ra sau khi nhà chức trách tiến hành giải quyết các đơn tố giác của ông Lê Văn Lâm (Tổng Giám đốc CTCP đầu tư phát triển Kim Oanh Đồng Nai) và các ông Nguyễn Văn Chung và Lâm Hoàng Sơn.

Tân Hiệp Phát cũng không cứu nổi doanh nghiệp từng có giá cổ phiếu cao nhất Việt Nam? - 2
Yeah1 ký kết hợp tác chiến lược với Tân Hiệp Phát

Trong đơn, ông Lê Văn Lâm tố cáo các ông, bà gồm Phạm Hoàng Minh, Hồ Thị Diễm Trang, Nguyễn Hoàng Phú, Lê Công Sương, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và Trần Quí Thanh có hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng thông qua việc chuyển nhượng dự án và "Trốn thuế", xảy ra tại CTCP Bất động sản Minh Thành Đồng Nai và CTCP Đầu tư và Xây dựng Nhơn Thành.

Dường như trong tình thế hiện tại, Tân Hiệp Phát bắt buộc phải đứng ngoài cuộc và không thể giúp Yeah1 "lội ngược dòng".

Giá cổ phiếu YEG tiếp tục tụt giảm không phanh xuống còn khoảng 31.500 đồng/cp, chưa đến 1/10 mức giá thời hoàng kim, và tiếp tục giảm đến 30% kể từ đầu năm 2021.

Yeah1 cho biết tập đoàn này đã thực hiện dự phòng hàng tồn kho nhằm phục vụ cho các chiến lược kinh doanh trong năm 2021 , làm một phần lớn nguồn vốn đầu tư chưa thể thu hồi.

Về phía Chủ tịch, cổ phiếu sụt giảm đã "thổi bay" hàng ngàn tỷ tài sản của ông Tống, giảm hơn 8 lần xuống còn dưới 300 tỷ đồng và không còn nằm trong danh sách 200 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.

Mới đây, ông Tống còn tiếp tục bán ra 250.000 cổ phiếu YEG, nhằm mục đích tài chính cá nhân. Nếu thương vụ này thành công, ông Tống sẽ giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại YEG từ 25,52% xuống còn 24,72%. Trước đó, ông Tống cũng đã bán thoả thuận hơn 5 triệu cổ phiếu YEG.

Dự báo, nếu không có lãi trở lại trong năm 2021, nhiều khả năng cổ phiếu YEG sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc. Lao dốc ngay đỉnh hoàng kim, nhiều nhà đầu tư được cho là đã sớm rời bỏ YEG "đình đám" một thời.

Chính thức chào sân khi chỉ tròn 12 năm tuổi, Yeah1 được mô tả như một kỳ lân ngành truyền thông. Tuy nhiên, bệ phóng của một ngành khá mới mẻ cũng thách thức giới đầu tư. Lúc bấy giờ, vì là duy nhất nên YEG được định giá trên cơ sở những thương hiệu thành công nước ngoài, mức giá được trả lên đến 350.000 đồng/cp, vượt mặt các "anh cả" Sabeco, Vinamilk, Thế giới Di động…

Theo Hải Yến (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/tan-hiep-phat-cung-khong-cuu-noi-doanh-nghiep-tung-co-gia-co-phieu-cao-nhat-viet-nam-161211204090636311.htm