Kinh tế

Tại sao các ngân hàng trung ương tích cực gom vàng?

Các ngân hàng trung ương tích cực gom vàng vì nhiều lý do khác nhau.

The Economist đưa tin, năm 1968, sàn giao dịch vàng London Bullion Market đóng cửa trong 2 tuần. Sàn giao dịch vàng lớn nhất thế giới bán sạch kim loại quý trong kho. Trong 5 tháng, các ngân hàng trung ương tại châu Âu mua vào ồ ạt, do USD giảm giá. 

Cuộc khủng hoảng vàng khiến hệ thống Bretton Woods sụp đổ. Đây là hệ thống bản vị hối đoái vàng dựa trên USD.

Các ngân hàng trung ương đang tăng cường mua vàng tích trữ. Chỉ tính trong quý III/2022, 400 tấn vàng được chuyển tới các khu dự trữ. Tính 9 tháng đầu năm, các ngân hàng mua 670 tấn vàng, mức cao nhất kể từ 1968. 

Các ngân hàng không công bố chính thức số lượng vàng mua vào. Các chuyên gia cho rằng, chỉ những "cá mập" - là các ngân hàng trung ương mới đủ khả năng tài chính mua số lượng lớn.

Tại sao các ngân hàng trung ương tích cực gom vàng?
Nắm giữ vàng có thể cung cấp một hàng rào chống lại lạm phát. (Ảnh: The Economist)

Tháng 5/2022, Thổ Nhĩ Kỳ mua gần 20 tấn chỉ trong một lần giao dịch. Sức mua của Ấn Độ và Qatar khá mạnh. Vàng chiếm khoảng 2/3 tổng dự trữ của Uzbekistan. Kazakhstan cũng tăng gấp đôi lượng vàng nắm giữ.

Về dài hạn, vàng là nơi cất giữ giá trị, không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính và các biến động chính trị. Các ngân hàng trung ương cho rằng, vàng đang rẻ. Giá vàng giảm 3% kể từ đầu năm đến nay.

Giống như trong quá khứ, mua vàng thỏi là cách để tích trữ thêm USD. Không chỉ châu Âu, các thị trường mới nổi chịu tác động tiêu cực từ USD tăng giá. Họ cần USD để nhập khẩu và trả các khoản nợ nước ngoài. 

Dự trữ ngoại hối của họ, phần lớn là trái phiếu kho bạc, không phải USD. Khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, giá trị của các tờ trái phiếu giảm. Các ngân hàng trung ương mua thêm vàng để bù đắp.

Vàng còn là cách để tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Những quốc gia có truyền thống đối tác với Nga như Thổ Nhĩ Kỳ đến Turkmenistan, vàng cung cấp phương tiện trao đổi thay thế. Trong thời gian này, nhóm những quốc gia mới nổi mua vàng lớn nhất.

Vàng của Nga bị cấm giao dịch tại thị trường London. Không ai có thể can thiệp vào vàng dự trữ của Nga. Ngân hàng trung ương Nga không tiết lộ họ đang nắm giữ bao nhiêu vàng.

Theo Hội đồng vàng thế giới, những người mua ẩn danh chiếm tỷ trọng rất lớn.

Các ngân hàng trung ương lên cơn sốt vàng, nhưng cấu trúc của toàn hệ thống không thay đổi, kể cả trong dài hạn.

Theo Duy Anh (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/tai-sao-ca-map-tich-cuc-gom-vang-2087161.html