Kinh tế

Tài sản gia đình Thứ trưởng Thoa "bay" cả chục triệu đô

Thông tin về việc kỷ luật Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tác động mạnh đến cổ phiếu.

Thông tin về việc kỷ luật Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tác động mạnh đến cổ phiếu.

Giá cổ phiếu của Công ty Bóng đèn Điện Quang (DQC) lao dốc mạnh trong mấy ngày gần đây khiến tài sản quy đổi theo cổ phiếu của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và các thành viên gia đình bốc hơi hàng triệu USD.

Ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 31-7 công bố hình thức kỷ luật cảnh cáo với bà Hồ Thị Kim Thoa và đề xuất miễn nhiệm các chức vụ hiện tại, cổ phiếu DQC lao dốc về mức thấp nhất trong vòng một năm trở lại đây.

Đơn cử ngày 2-8, ghi nhận thị trường cho thấy các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của công ty này tiếp tục bán tháo. Điều này khiến giá cổ phiếu DQC có thời điểm giảm xuống mức chỉ còn 38.100 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy, hôm qua (3-8), tâm lý nhà đầu tư dường như đã ổn định trở lại và đẩy giá cổ phiếu DQC giao dịch quanh ngưỡng 41.000-41.500 đồng.

Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu DQC liên tục có những phiên trồi sụt thất thường, trong đó số phiên giảm giá chiếm tỉ trọng khoảng 65%. Mức giá trần cao nhất của cổ phiếu này đạt trong bảy tháng đầu năm nay là 61.500 đồng và thấp nhất 40.500 đồng.

Như vậy, tính chung từ đầu năm đến nay mỗi cổ phiếu của Điện Quang đã giảm 21.000 đồng, tương đương mất giá khoảng 33%. Còn nếu so với cách nay một năm, thời điểm giá cổ phiếu DQC đạt đỉnh 82.500 đồng thì tới nay đã mất tới 50% giá trị.

Tài sản gia đình Thứ trưởng Thoa ‘bay’ cả chục triệu đô - 1

Cổ phiếu DQC lao dốc sau khi có thông tin kỷ luật Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Ảnh: TÚ UYÊN

Hiện nay Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nắm giữ gần 1,7 triệu cổ phiếu tại Điện Quang, tương đương 4,9% vốn điều lệ. Với mức giá cổ phiếu chốt phiên ngày 2-8 là 41.500 đồng, giá trị tài sản tính trên cổ phiếu của bà Thoa trên sàn chứng khoán hiện chỉ còn khoảng 70 tỉ đồng, giảm 13 tỉ đồng so với hồi đầu tháng 7. Còn nếu so với cách đây một năm, khối tài sản riêng cá nhân bà Thoa tại Điện Quang giảm khoảng 70 tỉ đồng.

Ngoài bà Thoa, các thành viên trong gia đình bà sở hữu hơn 11,7 triệu cổ phiếu DQC, tương đương 34,57% vốn điều lệ công ty này. Trong đó đứng vị trí thứ nhất là Nguyễn Thái Nga, con gái lớn bà Thoa, đang giữ chức phó tổng giám đốc, sở hữu 4,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ sở hữu là trên 12%.

Con gái thứ hai của bà Thoa là Nguyễn Thái Quỳnh Lê sở hữu 2,2 triệu cổ phiếu, tỉ lệ nắm giữ là 6,49%. Em trai của bà Thoa là ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty, nắm giữ 2,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ sở hữu là 7,33%...

Với thị giá mỗi cổ phiếu hiện nay ở mức 41.500 đồng, tài sản của các thành viên gia đình bà Thoa bốc hơi trên 500 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương khoảng 23 triệu USD.

Nhà đầu tư mất ăn mất ngủ

Trước đà sụt giảm mạnh của cổ phiếu DQC khiến giới đầu tư như ngồi trên đống lửa, ông Nguyễn Hữu Khánh, một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, phân tích: Với những nhà đầu tư chọn DQC để gửi gắm niềm tin thì giờ đây “nhận được trái đắng” khi giá trị cổ phiếu sụt giảm đến 50% chỉ trong vòng một năm. Tức là những ai bỏ ra 1 tỉ đồng vào thời điểm đầu tháng 8 năm ngoái để mua DQC, giờ đây chỉ thu về được 500 triệu đồng.

“Trong thời điểm nhiều nhà đầu tư muốn bán DQC thì có thể cổ phiếu này sẽ còn tiếp tục trồi sụt và như vậy con số giảm 50% vẫn chưa phải là đáy” - ông Khánh nhận định.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II-2017 của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang vừa công bố cho thấy tình hình kinh doanh trong sáu tháng đầu năm đã sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây. Bên cạnh đó, sản phẩm đèn LED được trông chờ cả vào thị trường trong nước cũng gặp phải cạnh tranh rất lớn từ hàng Trung Quốc. Chính vì thế, DQC đã phải đẩy mạnh chi tiêu cho hoạt động bán hàng nhưng kết quả vẫn chưa thực sự khả quan.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tâm, nhà môi giới chứng khoán, lại nhận thấy trong phiên giao dịch sáng 3-8 cổ phiếu DQC có dấu hiệu hồi phục. Do đó, nhà đầu tư nên bình tĩnh vào lúc này và không nên bán tháo. Ông Tâm cũng khuyến nghị nhà đầu tư không nên đưa ra các quyết định có yếu tố cảm tính, bởi nếu cứ chạy theo các đợt tăng hay giảm giá cổ phiếu trong ngắn hạn sẽ không đảm bảo khả năng bảo toàn vốn.

Trong khi đó, tổng giám đốc một công ty chứng khoán (xin được giấu tên) tại TP.HCM cho rằng nhà đầu tư cần phải xem nội lực của Điện Quang trong thời điểm hiện nay như thế nào để đưa ra quyết định hợp lý. Mặt khác, vị chuyên gia này cũng đánh giá Điện Quang là doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng riêng gia đình bà Thoa đã nắm giữ gần 35% vốn điều lệ. Hơn nữa nhiều thành viên trong gia đình bà Thoa đang là cổ đông lớn tại công ty và đảm nhiệm vai trò lãnh đạo chủ chốt, trong khi đó bà Thoa đã bị kỷ luật.

“Do vậy, nhà đầu tư nên cân nhắc có nên tiếp tục rót tiền đầu tư vào cổ phiếu Điện Quang hay chọn đầu tư những cổ phiếu có thị giá vừa phải nhưng có mức tăng trưởng ổn định” - vị chuyên gia trên gợi ý.

Bộ Công Thương hồi tháng 2-2017 công bố báo cáo cho biết trước khi được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Công Thương vào năm 2010, bà Thoa đã có 18 năm công tác tại DQC. Trong đó năm 2000-2005 là bí thư đảng ủy, tổng giám đốc công ty. Năm 2005-2010 là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc.

“Số cổ phần của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang mà đồng chí Hồ Thị Kim Thoa đang sở hữu là số cổ phần có được từ trước khi được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Công Thương. Số cổ phần này đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm thứ trưởng vào năm 2009 và đã được báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền trước khi có quyết định bổ nhiệm thứ trưởng” - Bộ Công Thương nêu rõ.

Tuy vậy, trao đổi với báo chí, một số chuyên gia cho rằng nếu quá trình cổ phần hóa không được thực hiện nghiêm túc, giám sát kỹ lưỡng có thể dẫn tới trường hợp lợi dụng chức quyền, nhập nhằng mua đi bán lại cổ phiếu để nắm giữ quyền kiểm soát. Điều này có thể dẫn tới việc gây thất thoát vốn nhà nước, rơi vào nhóm đặc quyền.

Hơn nữa, nếu một cán bộ lãnh đạo vừa quản lý vừa nắm cổ phần lớn tại doanh nghiệp và người nhà lại nắm giữ các vị trí chủ chốt thì có nguy cơ tạo nên đặc quyền, đặc lợi cho doanh nghiệp trên thị trường, gây bất lợi cho doanh nghiệp khác.

Theo Thùy Linh (Pháp Luật TP.HCM)