Kinh tế

Số phận lận đận của những cổ phiếu từng vượt mốc giá 300.000 đồng

Giá cổ phiếu Sabeco phá mức 300.000 đồng đang làm nhiều người bất ngờ. Thực tế hơn 10 năm trước, đã có hàng chục cổ phiếu vượt mốc này, thậm chí cao gấp đôi.

Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt mốc hơn 100 tỷ USD vốn hóa nhưng chỉ duy nhất mã SAB của Sabeco nằm trên mức giá 300.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi hơn 10 năm trước, thị trường còn rất nhỏ với lượng cổ phiếu lưu ký thấp đã có hàng chục mã vượt qua mốc này, thậm chí vượt rất xa. Tuy nhiên, các cổ phiếu này đã không còn như thời vàng son.

Cổ phiếu đắt nhất lịch sử đã bay hơi gần hết giá trị

Chứng khoán ở thời điểm năm 2007 không còn là cuộc chơi riêng của giới tài chính mà lan rộng trong cộng đồng những cư dân trí thức đô thị. Thêm hiệu ứng gia nhập WTO, nhà đầu tư kỳ vọng thị trường đón dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp đua nhau lên sàn làm quy mô thị trường tăng đột biến. Thời kỳ này, chỉ số VN-Index cũng lập cột mốc lịch sử với 1.200 điểm.

Trong cơn say của thị trường, giá cổ phiếu BMC (Công ty CP Khoáng sản Bình Định) có thời điểm leo lên mức 847.000 đồng, trở thành cổ phiếu đắt giá nhất thị trường, bỏ xa những cái tên đình đám xếp sau như SJS, FPT, DHG…

Số phận lận đận của những cổ phiếu từng vượt mốc giá 300.000 đồng
Nhiều cổ phiếu không còn duy trì được phong độ khi vượt mốc 300.000 đồng/cổ phiếu.

Có thể nói, đà tăng giá của BMC thời kỳ đó có nguyên nhân đến từ việc dòng tiền đổ vào thị trường quá lớn, trong khi hàng hóa trên sàn còn ít, dẫn tới giá cổ phiếu tăng mạnh.

Bên cạnh đó, cơ cấu cổ đông của BMC cũng rất cô đặc càng khiến cho cổ phiếu dễ tăng giá. Cộng với cơn sốt giá titan cùng thời điểm đã hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của BMC đủ sức hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại.

Tuy nhiên, tình cảnh hiện tại trái ngược hoàn toàn, khi thị giá BMC chỉ quanh ngưỡng 15.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh cao gần 100.000 đồng (giá đã điều chỉnh sau khi chia tách, cổ tức) vào năm 2007.

Việc vỡ “bong bóng” chứng khoán năm 2008 đã làm cho cổ phiếu có mức giá cao nhất thị trường này gục ngã. Dù rất cố gắng quay lại thời đỉnh cao nhưng giá titan đang giảm sâu đã không giúp BMC làm điều này.

Năm 2016 vừa qua, lợi nhuận BMC đạt được chỉ 9,5 tỷ đồng, con số thấp nhất kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán đến nay. Kết quả cũng như triển vọng kinh doanh kém tích cực khiến nhà đầu tư không còn mặn mà với BMC, thanh khoản cũng như giá cổ phiếu ngày càng sụt giảm.

Đại gia bất động sản cầm hơi với cổ phiếu dưới mệnh giá

Trong danh sách các cổ phiếu từng vượt mốc 300.000 đồng có không ít cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) và Nhà Từ Liêm (NTL) là hai mã cổ phiếu phá mốc này và thu hút được rất nhiều nhà đầu tư.

Cụ thể, TDH lập đỉnh với giá trị ghi nhận ngày 14/12/2006 là 315.000 đồng/cổ phiếu, trong khi NTL cũng ghi nhận giá kỷ lục 313.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành này gặp bất lợi kép trong việc duy trì mức giá cổ phiếu đỉnh cao, khi vừa phải gánh hậu quả của “bong bóng” bất động sản vừa chống đỡ với cuộc khủng hoảng kinh tế 2009. Hai cơn sóng này đi qua, giá cổ phiếu cùng kết quả kinh doanh bốc hơi gần hết.

Số phận lận đận của những cổ phiếu từng vượt mốc giá 300.000 đồng - 1
Thị trường bất động sản phục hồi cũng không đủ giúp cho các ông lớn trở lại thời hoàng kim. Ảnh: Lê Quân.

Lợi nhuận của Nhà Từ Liêm trước khủng hoảng duy trì ở mức 600 tỷ đồng/năm rơi tự do về mức 30 tỷ đồng. Trong khi đó Nhà Thủ Đức cũng “hụt hẫng” với lợi nhuận hàng năm, khi giảm từ mức 300 tỷ đồng xuống còn vài chục tỷ.

Điểm chung tiếp theo của hai ông lớn này là giá cổ phiếu giảm xuống dưới mệnh giá, với 8.000 đồng/cổ phiếu.

Năm 2017, thị trường bất động sản trên đà phục hồi, góp phần tích cực cho đà hồi phục giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành. TDH tăng gấp đôi, từ 8.000 đồng lên 16.000 đồng/cổ phiếu và NTL từ 8.500 đồng lên 11.500 đồng/cổ phiếu. Nhưng mức giá này so với thời hoàng kim là một trời một vực.

'Dòng họ' Sông Đà và cuộc khủng hoảng

Trong danh sách cổ phiếu có thị giá cao hơn 10 năm trước, các doanh nghiệp mang tên Sông Đà luôn thường trực. Cao nhất trong số này Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS), từng có giá 728.000 đồng vào ngày 12/1/2007. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Sông Đà 7 (SD7), Sông Đà 909 (S99), Simco Sông Đà (SDA) leo lên các mức giá 300.000-500.000 đồng/cổ phiếu.

Số phận lận đận của những cổ phiếu từng vượt mốc giá 300.000 đồng - 2
Các doanh nghiệp họ Sông Đà lao đao vì khủng hoảng. Ảnh: VNN.

Tuy nhiên, hơn một thập kỷ lăn lộn trên sàn, “gia tộc” sông Đà chỉ còn SJS ghi nhận tích cực nhất trên thi trường về giá, dù tình hình kinh doanh chưa cho thấy sự sáng sủa.

Cổ phiếu SJS từng ghi nhận mức giá 728.000 đồng, sau khi điều chỉnh tỷ lệ cổ tức và thưởng cổ phiếu tương đương 36.000 đồng, đến nay giá thị trường duy trì 33.000 đồng. Tính ra 10 năm qua, mức giá của cổ phiếu này sụt giảm 11%.

Đỉnh điểm của SJS là 2 năm báo lỗ liên tiếp (năm 2011 lỗ 80 tỷ đồng, năm 2012 lỗ hơn 300 tỷ đồng) kéo theo cổ phiếu lao dốc thê thảm, có thời điểm dưới 10.000 đồng/cổ phiếu và bị tạm ngừng giao dịch.

Nhưng đây vẫn là cổ phiếu đứng vững nhất trong cơn khủng hoảng “gia tộc”, bởi các doanh nghiệp sông Đà khác như SD7, S99, SDA đã liệt vào danh sách cổ phiếu “trà đá” với mức giá 3.000-5.000 đồng.

Con tàu đắm VSP

Cái tên VSP (Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải) biến mất khỏi sàn Hà Nội với sự tiếc nuối của rất nhiều nhà đầu tư – những người trước đây đã trực tiếp hoặc gián tiếp coi VSP như một “tàu tốc hành” của sàn HNX. Hiện tại, con tàu này đã bị “đánh đắm” sau những cơn bão khủng hoảng của thị trường chứng khoán.

Số phận lận đận của những cổ phiếu từng vượt mốc giá 300.000 đồng - 3
VPS một thời hoàng kim đã bị đánh đắm bởi khủng hoảng TTCK. Ảnh: Huỳnh Hải.

VSP niêm yết lần đầu 4 triệu cổ phiếu tại HNX ngày 25/12/2006. Giá đóng cửa ngày chào sàn của VSP 70.000 đồng/cổ phiếu. Ngay sau đó, giá cổ phiếu VSP đã tăng mạnh và đạt đỉnh quan trọng đầu tiên vào 190.000  đồng/cổ phiếu ngày 27/2/2007. Sau vài nhịp điều chỉnh, VSP đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử trong năm 2007: vượt mốc 315.000 đồng/cổ phiếu.

Thời hoàng kim của VSP vào năm 2008, gắn với chỉ số BDI-Index (chỉ số cước vận tải biển hàng khô) khi BDI thời lên tới 11.300 điểm còn nay chỉ còn 1.300 điểm. Nhưng chỉ sau 1 năm, VSP lại trở về đúng vạch xuất phát và ngày càng thảm hại khi rời sàn với mức giá 1.800 đồng/cổ phiếu.

Chỉ hai cổ phiếu làm nhà đầu tư có lãi

Trong danh sách cổ phiếu từng vượt mốc 300.000 đồng, chi có DHG (Dược Hậu Giang) và NTP (Nhựa Tiền Phong) là 2 cổ phiếu hiếm hoi đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư nếu theo đuổi trong một thập kỷ qua.

DHG lập đỉnh giá 553.000 đồng ngày 5/11/2007, giá điều chỉnh sau khi trả cổ tức và thưởng cổ phiếu đạt 31.500 đồng. Hiện tại, giá cổ phiếu của doanh nghiệp này là 105.000 đồng.

Không ấn tượng như DHG, nhưng NTP cũng ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Giá NTP lập đỉnh 320.000 đồng vào ngày 27/2/2007, giá điều chỉnh là 31.700 đồng; giá hiện tại 87.000 đồng.

Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)